Saturday, September 7, 2013

DHA và ARA trong sữa công thức cho trẻ sơ sinh


DHA và ARA trong sữa công thức cho trẻ sơ sinh
Nguy hiểm và không cần thiết – những phụ gia nhân tạo không nên có trong sữa công thức cho trẻ sơ sinh
(Người dịch: Minh Nga Nguyen)

Tóm tắt từ nghiên cứu của Charlotte Vallaeys, Viện nghiên cứu Cornucopia, tháng 5-2010.

Câu chuyện của những đứa trẻ chịu đau đớn bởi DHA Omega-3 và ARA Omega-6
Karen Jensen trải qua những ngày tháng mệt nhọc vì em bé của cô khóc dai dẳng vì chứng đau dạ dày-ruột (gastrointestinal pain) mà không biết phải làm thế nào. Khi 1 tháng tuổi, bé đột nhiên tím tái và phải đi cấp cứu. Cô nhận ra rằng từ khi cai sữa và cho bé ăn sữa bột hoàn toàn thì những triệu chứng này xuất hiện, nên cô quyết định đổi sữa, và tình cờ một người bạn đưa cho Karen sữa không có DHA và ARA và em bé vui vẻ trở lại. Nhưng vì nghe quảng cáo về những lợi ích của DHA và ARA tới sự phát triển của não bộ và thị lực, Karen muốn con nhận được những chất đó, nên cô lại mua loại sữa có chứa những phụ gia nhân tạo này. Và em bé lại khóc dai dẳng không dứt. Muốn tìm hiểu gốc rễ của việc này, Karen đã lên mạng để tìm cách tự bổ sung DHA và ARA cho bé, và tìm thấy một nghiên cứu của viện nghiên cứu Cornucopia chỉ ra rằng các vị phụ huynh nên cảnh giác với những phản ứng với DHA và ARA đối với bé. Ngay lập tức Karen đổi về loại sữa không có chứa những chất này, và em bé lại vui vẻ tươi cười trở lại.

Trải nghiệm của Karen với sữa công thức chứa DHA và ARA không phải là hiếm gặp, thực tế là khá phổ biến.

Holly Schneider phải đeo máy thở cho con trai mình hàng đêm theo đề nghị của bác sĩ nhi khoa bởi vì bé trớ sữa quá nhiều và có khả năng khiến bé bị ngạt thở khi ngủ. Sau khi đã thử thay đổi rất nhiều loại sữa cho bé, các triệu chứng của bé đột ngột biến mất lúc 6,5 tháng khi Holly vô tình mua một hộp sữa không có chứa DHA và ARA. Holly kể lại rằng những tháng đầu đời, bé bị tiêu chảy nặng, nôn ói thành vòi, thiếu nước, đầy hơi, sụt cân và khóc không dứt và không ngủ được. Mỗi khi cho bé ăn là bé lại quay mặt đi, vặn vẹo người, và cho bé ăn là một quá trình mệt nhọc.

Cùng với hàng trăm người mẹ khác cũng chứng kiến sự thay đổi đáng kinh ngạc của con của họ khi đổi sang sữa không có DHA và ARA, Karen và Holly đã kiến nghị lên FDA (Cục quản lý Thực Phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ). Họ tin rằng phụ gia nhân tạo DHA và ARA đã khiến cho em bé của họ phải trải qua đau đớn.

Các vị phụ huynh thắc mắc vì sao những chất này được duyệt để cho vào sữa công thức. Nhưng những người này chưa bao giờ nhận được câu trả lời.

Quá trình xét duyệt cho DHA và ARA trong sữa bột của FDA
Khi một công ty chế ra được một chất mới và muốn bổ sung vào sữa công thức, họ phải được duyệt theo tiêu chuẩn “Được coi là an toàn” (generally recognized as safe-GRAS).

Tập đoàn Martek Biosciences đã chế tạo phụ gia DHA và ARA cho sữa công thức bằng cách lên men tảo algae và nấm đông lạnh ở nhiệt độ thấp, chiết xuất dầu từ những thành phần này bằng hexane, một loại dung môi trong xăng dầu rất độc cho hệ thần kinh, sau đó tẩy trắng và khử mùi trước khi sấy khô thành bột. Họ nộp đơn xin duyệt lên FDA.

Theo các quy trình thí nghiệm và nghiên cứu của FDA, phải có một hội đồng các chuyên gia xem xét trường hợp này, nhưng do không có kinh phí để trả tiền, các chuyên gia thường được chính công ty xin xét duyệt thuê và trả công.

Đơn xin xét duyệt của Martek có vô vàn các nghiên cứu trên chuột. Những thí nghiệm này chỉ ra rằng với một lượng DHA và ARA rất cao, những con chuột vẫn không chết. Những con số cũng chỉ ra rằng DHA và ARA gây ảnh hưởng tới gan và các bộ phận khác, nhưng hội đồng của Martek cho rằng những thông số này là không quan trọng.

Không có một thí nghiệm nào chỉ ra rằng các em bé của chúng ra có bị đau đớn khó chịu ở hệ tiêu hoá khi ăn một lượng nhỏ DHA và ARA hay không. Bởi vì đây là một hợp chất mới, chưa bao giờ có mặt trên thị trường, nên hoàn toàn không có một số liệu thống kê nào.

Có một nghiên cứu trên trẻ em được thực hiện năm 2007, 79 em bé tham gia vào nghiên cứu, nhưng chỉ có 68 em trụ lại tới 4 tháng tuổi, bởi vì những bé còn lại được chuẩn đoán là dị ứng với thành phần sữa bò, những triệu chứng y hệt như những bé ăn sữa có chưa DHA và ARA kể trên. Tỉ lệ 14% này có vẻ như rất cao.

Sau nhiều năm chờ xét duyệt không có kết quả, luật sư của Martek đã bày tỏ sự không hài lòng vì quá trình chậm chạp của FDA, FDA trả lời rằng không phải họ lười biếng mà không xem xét đơn đề nghị, mà vì họ vẫn còn nhiều mối lo lắng về phụ gia này.

1 tháng sau cuộc họp giữa luật sư và FDA, FDA gửi cho Martek một văn bản liệt kê những gì họ đang thắc mắc, nói rằng các số liệu chưa đầy đủ, chưa có thống kê về tình trạng đột tử trong khi ngủ ở trẻ sơ sinh, và những số liệu thống kê khác về tiêu chảy, vàng da, nhiễm độc, ngừng thở khi ngủ của những bé ăn sữa công thức có DHA và ARA.

Sau bàn cãi về những thiếu sót của Martek, chỉ trong vòng 2 tháng, FDA đã chấp thuận cho DHA và ARA được sử dụng trong sữa công thức. Viện nghiên cứu Cornucopia đề nghị FDA cung cấp biên bản họp giữa những kẻ lót đường của Martek và các chuyên gia FDA, nhưng bị từ chối, bởi lẽ dĩ nhiên không có những cuộc họp đó.

Các hãng sữa làm ngơ việc thực hiện nghiên cứu thị trường sau khi tung ra sản phẩm
Theo luật pháp thì các hãng sữa phải thực hiện nghiên cứu thị trường sau khi ra một sản phẩm mới. Khi có một trường hợp khiếu nại về mối nguy hiểm của loại sữa đó tới trẻ em, thì ngay lập tức hãng sữa phải tìm hiểu nguồn gốc và đưa ra hướng giải quyết.

Khi viện nghiên cứu Cornucopia đề nghị Mead Johnson cung cấp những kết quả nghiên cứu về các phụ gia DHA và ARA sau khi tung ra thị trường, họ bị từ chối bởi vì theo họ là không có bất cứ một vấn đề gì cả.

FDA vào năm 2001 cũng chưa bao giờ nhận được một báo cáo hay nghiên cứu nào về sự an toàn của DHASCO và ARASCO (tên chính thức của Martek đặt cho phụ gia nhân tạo DHA và ARA) ở sữa công thức cho trẻ sơ sinh. 9 năm sau khi nhận được xét duyệt của FDA về việc sử dụng DHA và ARA trong sữa, các hãng sữa mới thực hiện một cuộc nghiên cứu và kết luận rằng không có vấn đề gì với phụ gia này cả. Họ phớt lờ những bố mẹ đang kiến nghị rằng em bé của họ có vấn đề khi ăn loại sữa này.

Chất béo DHA/ARA có những lợi ích gì?
Năm 2008, viện nghiên cứu Cornucopia đã phát hành báo cáo kết quả nghiên cứu về tác dụng của phụ gia DHA và ARA trong sữa công thức, và đi tới kết luận là có rất ít bằng chứng để chứng minh rằng những phụ gia nhân tạo này có lợi ích tới sự phát triển của não bộ và thị lực.

Cụ thể kết luận của họ như sau:

“This review found that feeding term infants with milk formula enriched with long­ chain polyunsaturated fatty acids [DHA and ARA] had no proven benefit regarding vision, cognition, or physical growth.”

Bài [nghiên cứu] này tìm ra rằng cho trẻ sơ sinh đủ ngày đủ tháng ăn sữa công thức có bổ sung chuỗi chát béo [DHA và ARA] không có lợi ích gì tới thị lực, nhận thức hay phát triển thể lực.”

Vậy thì vì sao các hãng sữa lại khăng khăng rằng DHA và ARA là những thành phần đặc biệt quan trọng tới sự phát triển của bé? Câu trả lời khá đơn giản, bởi vì họ sẽ thu được vô cùng nhiều lợi nhuận nhờ vào việc bán sữa có chứa những phụ gia này. Vì đồng tiền, họ đã giấu nhẹm đi tất cả các thông tin về tác dụng phụ trong khi làm mọi cách để quảng bá “sự diệu kì” của DHA và ARA.

Nghiên cứu sâu hơn một chút nữa, Cornucopia hé lộ rằng những thông tin này bắt nguồn từ 1 nghiên cứu được tài trợ bởi Mead Johnson, nhà sản xuất của nhãn hàng Enfamil. Hầu hết các thí nghiệm khác, có khoảng 20 thí nghiệm, đều đi đến kết luận ngược lại, rằng bổ sung DHA và ARA vào sữa công thức không mang lại tác dụng gì. Kể cả những nghiên cứu được tài trợ bởi Abbott cũng không tìm thấy sự khác biệt về phát triển trí não và thị lực giữa những trẻ sơ sinh ăn sữa công thức bình thường và sữa công thức bổ sung DHA và ARA.

Tiến sĩ Simmer đã tiến hành 10 thí nghiệm chặt chẽ để đo lường về sự phát triển nhận thức. Trong 10 thí nghiệm đó, chỉ có 2 là cho kết quả khác biệt một chút. Một thí nghiệm của các nhà nghiên cứu do Mead Johnson tài trợ, và một là của một nhóm từ Scotland chỉ ra rằng trẻ ăn sữa công thức có DHA/ARA ghi điểm cao hơn ở cách xử lý vấn đề. Ở 8 nghiên cứu còn lại thì chỉ ra không có sự khác biệt gì cả.

Ngoài ra, tiến sĩ Simmer còn tiến hành 7 thí nghiệm khác về sự khác biệt về phát triển thị lực. Có 4 nhóm nghiên cứu để tìm ra sự khác biệt về phát triển thị lực với DHA và ARA. Chỉ có duy nhất 1 nhóm tại Dallas, Texas, được tài trợ bởi Mead Johnson, là tìm ra sự khác biệt. Một nhóm khác tìm thấy lợi ích của riêng DHA chứ ko có ARA. Cũng giống như nghiên cứu về phát triển trí não, thì thông báo về lợi ích của DHA và ARA làm thay đổi thế giới này hoá ra lại được dựa trên kết quả của duy nhất 1 nhóm nghiên cứu.

Một thí nghiệm trên 241 trẻ em chỉ ra rằng DHA trong sữa không nâng cao IQ của các bé. Họ khẳng định rằng sự phát triển về trí thông minh phụ thuộc vào di truyền hơn là chuỗi chất béo dài được bổ sung vào sữa. Vậy thì chúng ta có thể kết luận là DHA và ARA trong sữa công thức không mang lại lợi ích cho trẻ. Mà tất cả các nghiên cứu chứng minh là có lợi ích đều là các nghiên cứu được tài trợ bởi Mead Johnson.

Hội đồng Châu Âu từ chối công bố lợi ích của DHA và ARA
Tháng 3 năm 2009, Hiệp hội an toàn thực phẩm Châu Âu (EFSA) từ chối đơn xin duyệt của Mead Johnson muốn công bố lợi ích về sức khoẻ của DHA và ARA trên bao bì các sản phẩm sữa. Cụ thể hơn, họ đi đến kết luận rằng không có đủ các chứng cứ khoa học để nói rằng có mối liên hệ giữa việc bổ sung DHA/ARA vào sữa công thức và lợi ích cho phát triển của trẻ.
Sau khi nhận được nhiều phản ứng tiêu cực từ các hãng sữa/thực phẩm, EFSA ra công bố vào tháng 12 năm 2009 rằng họ chấp nhận những dòng chữ có nội dung chung chung như “DHA có thể đóng góp vào sự phát triển bình thường của não của bào thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”. Họ cũng nhấn mạnh rằng bất cứ lời nói nào nhằm khẳng định về các lợi ích đều bị cấm.

Kết luận
Hàng nghìn năm nay con người lớn lên nhờ dòng sữa mẹ. Những người ủng hộ sữa mẹ tranh luận rằng sữa mẹ không thể được đánh giá dựa trên 1 thành phần duy nhất. Hàng nghìn năm tiến hoá của loài người đã tạo ra một nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho trẻ sơ sinh, với hàng nghìn chất dinh dưỡng kết hợp và xúc tác với nhau, chúng thậm chí thay đổi hàng ngày tuỳ thuộc vào nhu cầu của em bé vào thời điểm đó. Sữa mẹ là một ma trận những chất dinh dưỡng, và thật là ngớ ngẩn nếu như một nhà khoa học nào đó dám khẳng định là họ hiểu hết về sữa mẹ và họ có thể chế tạo lại sữa mẹ vào những cái lon thiếc.
Không biết có bao nhiêu phụ gia được bổ sung vào sữa công thức, và trong số những phụ gia đó có bao nhiêu là thực sự có tác dụng và bao nhiêu không có tác dụng như DHA và ARA? Những thông tin không tốt (thường là phản ánh sự thật) về sữa công thức thường được các hãng sữa cố gắng giấu nhẹm đi, có một số sự thật bị phơi bày ra ánh sáng bởi những nhà khoa học dũng cảm đám đối đầu với các hãng sữa. Vậy còn bao nhiêu sự thật chưa được phơi bày?
________________________________________________________________

Viện nghiên cứu Corpocopia là một tố chức nghiên cứu về thực phẩm và các nông sản của Mỹ để cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin chính xác. http://www.cornucopia.org