Wednesday, February 4, 2015

Chuyện về những cái cân

Dịch từ bài viết của bác sĩ Jack Newman 
Link gốc: https://www.facebook.com/DrJackNewman/posts/445026312315087

Cái cân không phải là phương thức tốt nhất để đánh giá nếu bé đang bú mẹ tốt hay bé có đang tăng cân tốt hay không. Có rất nhiều lý giải cho câu nói trên. 
1. Cái cân chỉ đúng với bản thân nó (và chúng cần được điều chỉnh kĩ thuật (calibrate) thường xuyên, nhưng người ta lại thường quên việc này). Việc so sánh 2 cái cân với nhau là điều nguy hiểm, bởi vì sẽ có nhiều khác biệt giữa cái cân này và cái cân khác. Hãy nhìn vào 2 bức ảnh trong bài này, cùng 1 em bé được cân trên 2 chiếc cân khác nhau, cách nhau chỉ 1-2 phút. Cái cân có chỉ số 3.51kg là đúng, bởi vì nó mới được điều chỉnh bởi các kĩ thuật viên của bệnh viện trước đó vài phút. Cái cân có chỉ số 3.11kg bị sai. Cũng không cần phải mất nhiều thời gian để đưa ra kết luận rằng, nếu em bé chỉ được cân ở cái cân bị sai kia, thì có thể dẫn tới việc bé bị ăn bổ sung cái gì đó ngoài sữa mẹ hoặc bị can thiệp vào việc bú mẹ của bé. Dĩ nhiên là sự khác biệt quá lớn giữa những chiếc cân là điều không thường xuyên xảy ra, nhưng tôi đã ghi lại được sự khác nhau giữa những chiếc cân được sản xuất bởi cùng một công ty, cùng một model, đặt cạnh nhau, cho ra kết quả khác biệt tới 90 grams, và điều này rất hay xảy ra. Sự khác biệt 90 grams ở em bé sinh ra nặng 3kg là 3%. Hãy ghi nhớ rằng chúng ra đã bàn đến việc sụt cân sinh lý 10% quan trọng như thế nào, hoặc là như một bài báo của tạp chí Pediatrics đã đề cập, sụt 5% trong 24 giờ đầu. Những em bé sinh ra ở các bệnh viện Bắc Mỹ thường được cân ở phòng sinh trên 1 cái cân, sau đó ra ngoài lại sử dụng cái cân khác. Rồi đến khi đi khám ở phòng khám của bác sĩ, dĩ nhiên là không phải 2 cái cân lúc đầu. Như vậy nếu sau 10 ngày mà em bé không tăng được lại bằng cân nặng lúc sinh khi được cân bằng chiếc cân ở phòng khám, điều đó có phải là bé không bú đủ hay không? Câu trả lời là không phải, bởi vì cái cân của bác sĩ khác so với 2 cái cân ở bệnh viện. Và nếu như em bé tăng cân rất tốt ở 10 ngày tuổi, điều đó có phải là bé bú mẹ rất tốt hay không? Câu trả lời là không, bởi vì cái cân của bác sĩ khác so với 2 cái cân ở bệnh viện.
2. Những cái cân là máy móc, nhưng kết quả chúng cho ra lại được ghi chép bởi con người, dù là ghi chép bằng tay hay nhập số liệu vào máy tính. Tôi đã từng chứng kiến tận mắt một cô y tá lâu năm, rất nhiều kinh nghiệm, cân một em bé nặng 3,67kg nhưng viết vào giấy là 3,27kg. Chắc chắn rằng trong số chúng ta, những người thường xuyên cân các em bé, cũng đã từng mắc sai lầm như vậy.
3. Có một trường hợp, khi mới sinh ra bé được cân là 2,58kg và năm giờ sau cân lại là 3.1kg. Chuyện gì đã xảy ra vậy? Các em bé thường không được cân thường xuyên như vậy. Tôi đoán là có một y tá nào đó nhìn em bé và nghĩ "em này không thể nào chỉ nặng 2,58kg được, tôi sẽ kiểm tra lại." Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu trường hợp này ngược lại, nếu như bé cân nặng 3,1kg lúc mới sinh và 2,58kg vào ngày hôm sau? Đó là giảm mất 14% cân nặng lúc sinh chỉ trong vài giờ? Tôi đoán là cả khoa sản-nhi sẽ xôn xao lo lắng và em bé này sẽ ngay lập tức bị ăn sữa công thức bằng bình. 
4. Ở một trường hợp khác, bé giảm 500g sau 1 đêm (cân lúc 18:00 và lần tiếp theo vào 6:00). Thay vì dừng lại một giây để đánh giá và suy nghĩ "bé có khả năng giảm 500g trong vòng 12 tiếng hay không?", toàn bộ các bác sĩ sản và bác sĩ nhi chạy tới bên người mẹ và nói với cô ấy rằng cô phải cho bé ăn sữa bột ngay, người mẹ kháng cự lại, họ đe doạ sẽ gọi hiệp hội bảo vệ trẻ em (note: ở Mỹ có Child Protection services mà các bác sĩ có quyền gọi để họ mang đứa bé đi nếu người mẹ có các hành động đe doạ đến sự an toàn của bé). Điều may mắn là, họ đã không gọi Child protection services, họ chỉ doạ vậy thôi, tối hôm đó bé đã tăng cân trở lại (có thật là bé đã tăng ko?)
Vậy thì làm thế nào để chúng ta biết được bé bú mẹ đủ? Kiến thức này là chìa khoá để hiểu việc nuôi con bằng sữa mẹ. Trong nhịp bú của bé, hãy quan sát cằm của bé ngay khi bé mở rộng miệng và chuẩn bị đóng miệng để rút sữa, khoảng thời gian cằm bé ngưng chính là chìa khoá để xem bé bú như thế nào (xem video trong link dưới để hiểu rõ hơn), đó chính là cái cho chúng ta biết bé đang có đầy sữa trong khoang miệng. Khoảng ngưng đó càng lâu, bé càng uống được nhiều sữa. Một khi người mẹ nắm bắt đầu điều này, thì cô ấy sẽ hiểu rất nhiều về nuôi con bằng sữa mẹ.
https://www.facebook.com/video.php?v=440768762740842&set=vb.138141916336863&type=2&theater