Friday, July 12, 2013

Sự thật chưa được khám phá về sữa bột



Nguồn: http://breastfeeding_blues.webs.com/hotmilk.htm
Dịch: Minh Nga Nguyễn 

Chắc chắn rằng những cha mẹ cho con uống sữa công thức – và phần lớn cha mẹ ở Canada có cho con ăn sữa bột – đều không biết nhiều về nó. Một lí do là vì không dễ gì tìm kiếm được một nguồn tin đáng tin cậy mà không bị dối trá về sữa bột. Có những người muốn các cha mẹ không tiếp cận với những nguồn tin đó, nhưng họ không muốn nói ra vì sợ là mang tiếng quảng cáo cho sữa bột, họ đưa ra những thông tin mơ hồ và đôi khi là sai lệch với rất ít chi tiết thuyết phục. Và có những người khác thì cố gắng đứng ở giữa cân bằng hai bên, và trong cái nỗi lực để tránh cho lương tâm mình bị cắn rứt, thì họ nói giảm nhẹ đi cái sự khác biệt nữa sữa bột và sữa mẹ.

Có một điều mà tất cả các nguồn tin đều đồng ý – ít ra thì họ công khai nói như vậy – là sữa mẹ là tốt nhất. Và trong cái thời điểm người ta tranh cãi vậy, thì sữa bột nằm im lặng trên quầy hàng, không bị lôi ra để bàn tán. Chúng ta nghe và đọc nhiều về sữa mẹ, nhưng ít khi đọc về sữa công thức. Cũng đã đến lúc làm một điều đúng đắn và đưa ra những câu trả lời thẳng thắn.

Trong sữa công thức có gì?
Hầu hết sữa công thức cho trẻ sơ sinh đều làm từ sữa bò (ngoại trừ sữa từ đậu nành), nhưng có rất nhiều điều phải xảy ra trong quá trình từ con bò đến hộp sữa, và dĩ nhiên, tới em bé. Tóm tắt ngắn gọn lại thì nhà sản xuất bóc tách sữa bò ra thành nhiều phần khách nhau và lại gộp chúng lại với nhau, với một số thành phần được bỏ ra và một số thành phần thêm vào.

Sữa bò có hàm lượng chất béo bão hoà rất cao (saturated fat), và rất khó tiêu cho em bé, hàm lượng chất béo không bão hoà lại rất thấp (monosaturated fat), mà đây lại là thành phần chất béo chính trong sữa mẹ. Vậy nên bước đầu tiên là loại bỏ hết chất béo. Sữa tách béo sau đó được đun nóng, và sấy khô để làm ra bột. Sau đó loại chất béo mới, dưới dạng dầu thực vật, được pha trộn vào cùng với các protein, đường (lactose) và một danh sách dài các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất theo quy định để ngang bằng với sữa mẹ.

Sữa bò có hàm lượng protein cao gấp 3 lần sữa mẹ. Các chú bê con cần lượng protein này để lớn nhanh, nhưng đối với em bé của chúng ta thì lượng protein đó là quá tải cho gan và thận. Sữa bò cũng có hàm lượng đạm casein và whey – hai loại đạm có trong sữa của động vật có vú – cao hơn trong sữa mẹ. Do vậy mà các hãng sữa phải giảm các thành phần protein và đạm để lượng chỉ bằng trong sữa mẹ.

Những thành phần còn lại thì là chất để bảo quản sữa không bị hỏng và giữ cho các chất không bị tách nhau ra. Một số sữa công thức thì có chất tạo độ đặc, và sữa đặc biệt cho trẻ sinh non thì có lượng dinh dưỡng cao hơn. Bất kì loại sữa bột mới nào cũng phải đạt một số tiêu chuẩn an toàn, bao gồm cả thí nghiệm để xem những chất dinh dưỡng đó đạt tiêu chuẩn giúp bé phát triển bình thường không.

Những chất gì không có trong sữa công thức?
Sữa mẹ là một chất phức tạp mà đến bây giờ người ta vẫn chưa hiểu hết được. Danh sách những chất của sữa mẹ mà không có trong sữa công thức thì quá dài để liệt kê ra và bao gồm những men tiêu hoá, hormones, chất tăng trưởng, các kháng thể để chống lại viêm nhiễm và giúp phát triển sức đề kháng của trẻ.

Nói đơn giản hơn, sữa mẹ là vật thể sống, theo như lời James Friel, một giáo sư dinh dưỡng của trường đại học Manitoba. “Một số thành phần là tế bào sống. Chúng không chỉ đóng vai trò là chất dinh dưỡng mà còn vượt xa hơn,” ông giải thích. “Ví dụ, nếu bạn cho một chất stress oxy hoá (Oxidative Stress là kết quả của sự mất cân bằng giữa các gốc tự do và các chất chống oxi-hóa làm cho các chất chống oxi hóa bị vô hiệu hóa. Theo các bác sĩ điều này có thể dẫn đến sự tăng trưởng tế bào bất thường, một dấu hiệu báo trước ung thư.,) như là khói thuốc chẳng hạn, vào sữa mẹ, thì sữa mẹ sẽ chống lại chất đó, và sữa mẹ làm được điều này tốt hơn sữa công thức mặc dù sữa công thức có nhiều chất chống lão hoá (antioxidants) hơn. Điều này đối với tôi thật kì lạ và tôi muốn hiểu về nó rõ hơn”. Giáo sư Friel nghĩ rằng trong tương lai thì người ta có thể bổ sung tế bào sống vào sữa bột, nhưng nó sẽ không xảy ra trong một ngày gần đây.

Một loại phân tử sống (biologically active component) khá quan trọng trong sữa mẹ là loại protein tên là secretory immunoglobulinA (sIgA)/ kháng thể tiết A, và nó có khả năng gom các chất lạ (bao gồm vi khuẩn có hại) và đào thải chúng ra khỏi cơ thể. Nó bao phủ thành ruột, một trong những cửa ngõ đầu tiên của vi khuẩn. Sữa non, loại sữa đặc sánh mà cơ thể mẹ tiết ra trong một vài ngày đầu thì có hạm lượng sIgA rất cao.

Sữa công thức thì cũng có kháng thể sIgA này, tuy nhiên chúng không nhiều và là kháng thể của bò, nghĩa là chúng được lập trình để tìm ra các vi khuẩn gây bệnh ở bò chứ không phải ở người, và hoạt động trong máu chứ không phải trong hệ tiêu hoá. Trẻ bú bình dĩ nhiên là vẫn có sức đề kháng, nhưng chúng bị thiếu những chất đề kháng về lâu dài mà có ngay sau khi sinh từ sữa non ví dụ như sIgA.

Mối nguy hiểm lớn nhất khi thiếu sIgA là trong những tuần đầu tiên sau sinh, khi mà hệ tiêu hoá của bé rất dễ bị vi khuẩn tấn công. Nhờ vào nhưng công nghệ tiệt trùng ngày nay, và nhiều kinh nghiệm trong chữa trị, đã làm cho những bệnh nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong này khá hiếm ở Canada. Nhưng chúng vẫn là nguyên nhân gây bệnh và tử vong cho trẻ em ở nhiều nước đang phát triển, khi mà sữa bột đôi khi được pha với nước bị nhiễm bẩn.

Một thành phần sống nữa (biological), mà chỉ có trong sữa mẹ chứ không có ở sữa công thức, chính là khả năng tự thay đổi. Sữa mẹ thay đổi khi em bé lớn dần và thay đổi qua từng cữ bú. Sữa đầu, nguồn sữa tiết ra khi bé bắt đầu bú, thì có lượng chất béo thấp. Khi em bé tiếp tục bú, lượng chất béo tăng dần, khiến cho em bé dần dần rơi vào trạng thái “phê phê” mà nhiều mẹ rất thích được nhìn con như vậy. Lượng chất béo trong sữa mẹ cũng thay đổi khi em bé qua 6 tháng, khi mà tốc độ tăng trưởng chậm dần. Trong một vài năm gần đây thì một loại sữa công thức, gọi là follow-up formula, đã được pha trộn để các thành phần phù hợp hơn với những em bé lớn hơn.

Sữa công thức gần giống với sữa mẹ tới mức nào?
Cả hai loại sữa đều duy trì sự sống cho con người, và chỉ giống nhau ở một điểm duy nhất này thôi. Các thành phần dinh dưỡng trong chất được con người chế tạo ra thì không có tính năng giống như chất sinh ra trong tự nhiên. Nhà dinh dưỡng Cristine Bradley, quản lý cấp cao của hãng sữa Mead Johnson giải thích “Về các thành phần, thì tôi có thể nói nó giống nhau như hai quả táo (apple to apple), nhưng về function (cách hoạt động) thì giống như so sánh quả táo với quả cam.”

Một vài ví dụ cụ thế như sau: Sắt được bổ sung vào sữa công thức ở thập niên 80. Tuy nhiên, chất sắt trong sữa công thức thì không dễ hấp thu như trong sữa mẹ, do vậy mà người ta phải cho thêm rất nhiều sắt vào sữa công thức để trẻ có thể hấp thụ đủ.

Một ví dụ khác là nucleotides, là thành phần của axit Nucleic AND và ARN (chất cực kì quan trọng trong bất kì dạng phân chia tế bào cơ thể sống) và giúp xây dựng hệ miễn dịch. Sau khi chúng được bổ sung vào sữa công thức vào những năm 90, Bradley có nói, thì lợi ích nó mang lại cho sức đề kháng thì không đạt kết quả như mong muốn. “Có một số vui mừng vì thành công này, sau một thời gian, nhưng sau khi có nhiều kết quả nghiên cứu không tốt đẹp thì rõ ràng là nó không được thành công như chúng tôi đã nghĩ.”

Họ đã làm gì để cải thiện sữa công thức?
Tuy rằng sữa công thức về cơ bản là khác với sữa mẹ, một số cải thiện rõ rệt đã được áp dụng trong vòng 30 năm trở lại đây, bao gồm cải thiện sự cân bằng protein và các chất béo. Các hãng sữa cũng đã bổ sung một số loại sữa, bao gồm cả sữa không có lactose, sữa đặc biệt cho trẻ sinh non và trẻ ốm yếu, sữa hydrolized với protein dễ tiêu hoá cho những bé có vấn đề với tiêu hoá.

Một phát minh mới nhất là sự bổ sung hai chuỗi chất béo không bão hoà đa nguyên (polyunsaturated fat) là DHA (docosahexaenoic) và ARA (arachidonic acid). Cả hai đều đóng vai trò chủ chốt trong phát triển trí não và đã có những học thuyết, tuy rằng chưa được chứng minh, rằng sự có mặt của DHA và ARA trong sữa mẹ là nguyên nhân vì sao trẻ bú mẹ thường có điểm cao hơn trẻ bú sữa công thức trong các bài kiểm tra về phát triển trí não.

Mùa đông vừa rồi thì các em bé ở Canada được uống những giọt sữa công thức đầu tiên có bổ sung DHA và ARA (bài viết này viết năm 2003) (được làm từ algae và fungus/nấm). Câu hỏi đặt ra là, liệu những chất bổ sung này có làm cho trẻ ăn sữa công thức thông minh hơn, như là quảng cáo “A+”? Sheila Innis, một giáo sư về dinh dưỡng cho trẻ em tại trưởng đại học British Columbia, nói rằng các nghiên cứu cho kết quả lẫn lộn. “Tôi sẽ rất đề phòng về việc đưa ra lời kết luận đó cho một em bé khoẻ mạnh sinh đủ ngày đủ tháng. Ở một nhóm nghiên cứu nhỏ, các em bé 18 tháng ăn sữa công thức có bổ sung DHA và ARA có điểm cao hơn các bé ăn sữa công thức bình thường, nhưng ở 4 nghiên cứu khác thì lại chỉ ra rằng chẳng có sự khác biệt nào. Các bằng chứng thì rõ ràng hơn ở trẻ sinh non, những bé mà sinh ra không có những chất này và các chất dinh dưỡng khác dự trữ trong cơ thể.”

Những rủi ro liên quan tới sữa công thức?
Có những rủi ro liên quan đến việc cho trẻ ăn sữa công thức. Cha mẹ cần phải biết để có thể tránh những rủi ro này.

Pha chế không đúng: Sữa công thức phải được pha chính xác theo hướng dẫn. Nhiều cha mẹ đã làm sai, đôi khi là do không biết đọc hoặc không hiểu ngôn ngữ. Một số thì cho quá nhiều nước, và điều này làm cho sữa bị thiếu dinh dưỡng, hoặc pha quá ít nước làm cho sữa không tan hết, đôi khi bố mẹ làm như vậy để tăng lượng chất dinh dưỡng. Kết quả là trẻ có thể bị thiếu nước và hại thận.

Nhiễm bẩn: Các hãng sản xuất sữa nói rằng quy trình quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm là khắt khe nhất trong ngành công nghiệp thức ăn. Tuy nhiên, bất kì thực phẩm nào con người tạo ra đều có những rủi ro về nhiễm khuẩn. Những năm gần đây đã có một lượng nhỏ, bùng nổ ở một số vùng, trẻ em bị mắc một bệnh rất nghiêm trọng, một số em tử vong (hầu hết là trẻ sinh non và những trẻ có vấn đề về sức đề kháng) gây ra bởi loại vi khuẩn tên là E.sakazakii tìm thấy trong sữa bột. (Sự bùng nổ này đã khiến cho Canada khuyến khích dùng sữa ở dạng lỏng – sẽ ít rủi ro bị nhiễm bẩn hơn – cho những em bé ăn sữa công thức mà có hệ miễn dịch kém hoặc nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt).

Thông điệp cho các phụ huynh là sữa công thức của trẻ không phải là một sản phẩm vô trùng và phải được bảo quản và sử dụng cẩn thận. Dawn Walker, một y tá và cũng là cựu giám đốc của Viện Sức khoẻ trẻ em Canada, nói rằng một trogn nhưng câu hỏi bà thường gặp nhất là “tôi có thể hâm nóng lại sữa công thức không?” “Câu trả lời là không.”, bà nói. “Một khi sữa công thức đã được pha để sử dụng, nếu bạn hâm nóng lại, vi khuẩn sẽ sinh sôi một cách nhanh chóng. Điều này rất nguy hiểm.”

Bệnh tật: Theo các số liệu thống kê, trẻ ăn sữa công thức thường dễ bị mắc các bệnh như cảm lạnh, viêm tai giữa, dị ứng đạm sữa, tiêu chảy, viêm đường tiết niệu và viêm phổi do vi khuẩn. Tỉ lệ dễ mắc bệnh đến mức nào? Thật khó nói. Rõ ràng rằng, một số em bé (ăn sữa công thức hoặc không) có nhiễm viêm phổi, nhưng nguy cơ tiềm ẩn rất thấp. Với những bệnh thường gặp hơn như viêm tai giữa, một số nguyên nhân khác cũng làm tăng khả năng mắc bệnh – ví dụ như mẹ có hút thuốc không hoặc con có đang đi nhà trẻ không. Một nghiên cứu mở rộng đối với các bé từ 2 đến 7 tháng tuổi tìm ra rằng khả năng mắc bệnh viêm tai giữa ở trẻ tỉ lệ thuận với lượng sữa công thức trẻ ăn vào; những bé ăn hoàn toàn sữa công thức thì có nguy cơ cao gấp đôi (13.2%) những bé bú mẹ hoàn toàn (6.8%) trong vòng 1 tháng.

Trẻ bú bình còn có nguy cơ bị béo phì; các bé đó phát triển nhanh chóng, và trung bình thì những bé đó thường mập mạp hơn trẻ bú mẹ. Một nghiên cứu rộng rãi tại Đức với đối tượng là các bé 5 và 6 tuổi tìm thấy rằng 4.5% những bé bị béo phì là đã bú bình, so với 2.8% là tỉ lệ của các bé bú mẹ. Bởi vì bố mẹ là người quyết định bao nhiêu sữa pha trong bình và khi nào, em bé ăn sữa bình có thể không học được những tín hiệu của cơ thể tốt như bé bú mẹ theo nhu cầu. Stephanie Atkinson, giáo sư về dinh dưỡng trẻ em ở trường đại học McMaster có nói “Tôi lo lắng rằng có thể có một sự lập trình cho hệ tiêu hoá nào đó để giải thích cho sự gia tăng tỉ lệ béo phì ở trẻ ăn sữa bột”

Một mối lo lắng khác là trẻ ăn sữa công thức có thể đối mặt với nguy cơ cao hơn trong việc mắc tiểu đường loại 1. Một số nghiên cứu tìm ra được nguy cơ mắc bệnh này ở trẻ ăn sữa công thức cao hơn nhiều so với trẻ mà bú mẹ ít hơn 3 tháng. Một nghiên cứu khác thì lại chỉ ra rằng việc tiếp xúc với sữa bò sớm làm tăng khả năng phát triển một loại kháng thể mà được tìm thấy ở những trẻ bị bệnh tiểu đường. Không có mối liên kết nào được kết luận, nhưng một nghiên cứu toàn cầu đã được tiến hành vào năm 2002 để so sánh tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 1 có ảnh hưởng thế nào giữa trẻ ăn sữa công thức bình thường và sữa công thức dành cho trẻ bị dị ứng. (kết quả thì tác giả không biết vì ông viết bài này vào năm 2003).

Khi bạn cộng dồn các rủi ro với nhau, chúng thật là khó chấp nhận nổi. Tuy nhiên, để tiên đoán trước khả năng mắc bệnh của một em bé thì là điều không thể làm được. Cũng như vậy, khả năng mắc bệnh thấp cũng không phải là điều có thể khẳng định được, một số em bé bú sữa mẹ vẫn mắc bệnh viêm tai giữa và một số em bé bú bình thì lại không bị. Chúng ta cần đối mặt với điều rằng: có rất nhiều người lớn xung quanh ta lớn lên hoàn toàn từ sữa công thức.

Khi chúng ta nhìn vào sữa công thức từ khía cạnh là một bước đột phá của y học, cách để nuôi dưỡng những đứa trẻ khi mà không có sữa mẹ, thì nó khá là tốt. Vấn đề ở đây là cái thứ thay thế sữa mẹ này lại trở thành thứ cạnh tranh với sữa mẹ. Và sữa công thức thì không thể đem ra cạnh tranh với sữa mẹ được. Sau đây là ý kiến của James Friel: “Chúng ta đã sản xuất sữa công thức được hơn 100 năm và tôi dành ra 20 năm của cuộc đời mình để làm cho chúng tốt hơn. Tất cả những người mà tôi tiếp xúc trong ngành công nghiệp này đều thật thà, chăm chỉ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không thể nào sáng chế ra sữa công thức mà gần giống với sữa mẹ, và đối với tôi đó là một điều đáng buồn. Chúng tôi đã cố gắng bóc tách sữa mẹ ra thành các thành phần và lại trộn chúng lại với nhau, nhưng thực sự là không thể làm như vậy được.”

Cái thành công nhất của sữa công thức, tuy rằng nó không thể đem ra so sánh với sữa mẹ được, là nó đã trở thành thức ăn thay thế an toàn và đang được làm cho tốt hơn. Có thể là nó mãi mãi chỉ được đến vậy thôi.

Soy/Đậu nành: dành cho ai?
Khoảng 15% sữa công thức bán ra ở Canada là từ đậu nành. Sữa công thức soy được chế tạo ra cho những em bé không tiêu hoá được sữa bò. Những năm gần đây thì có một số lo lắng đã dấy lên bởi vì sữa soy có hàm lượng isoflavones cao, một hormone estrogen từ thực vật. Isoflavones được cho rằng làm ảnh hưởng tới khả năng sinh sản và phát triển giới tính ở chuột. Không có mối liên hệ nào được móc nối tới con người, tuy rằng các nhà nghiên cứu thì đang tiếp tục nghiên cứu.

Theo Stephanie Atkinson, giáo sư về dinh dưỡng cho trẻ em ở trường đai học McMaster, sự thật về sữa công thức soy là quá nhiều bố mẹ đang sử dụng chúng không đúng cách. “Rất ít trẻ thực sự cần sữa soy”, bà nói “Những em bé không được bú mẹ mà có vấn đề về tiêu hoá sữa công thức thì tốt hơn là cho ăn sữa công thức dành cho trẻ bị dị ứng/ hydrolyzed cow’s milk formula (protein đã được predigested/làm cho dễ tiêu hoá hơn). Nhưng nhiều bố mẹ vẫn đổi sang sữa soy khi bé có vấn đề về tiêu hoá. Lí do duy nhất mà tôi có thể nghĩ ra để một người mẹ cho con ăn sữa soy là nếu như người mẹ đó muốn biến con mình thành người ăn chay khắt khe.”


Monday, July 8, 2013

Những gì trong sữa mẹ có mà sữa công thức không có




Tại sao sữa mẹ đã đang và sẽ luôn luôn tốt hơn sữa công thức

Sữa công thức là một thí nghiệm dài nhất trong lịch sử ngành Y mà lại không đi kèm khuyến cáo về tác dụng phụ” _ trích lời bác sĩ Frank Oski, người viết báo Journal of Pediatrics.

Bảo vệ khỏi nhiễm trùng
Những trẻ em ăn sữa công thức thường có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Chúng ta dường như chấp nhận rằng trẻ con nghiễm nhiên sẽ mắc RSV (bệnh đường hô hấp), tiêu chảy Rota và viêm tai giữa. Những bệnh này đáng lẽ ra không phải là bệnh thường gặp ở trẻ em, nhưng ở Mỹ, nơi tiêu thụ sữa công thức lớn nhất thế giới, chúng tôi nhận rất rất nhiều ca nhập viện mỗi mùa đông vì những bệnh này. Và phần lớn những trẻ em đó là trẻ được nuôi bằng sữa bột.

Thực tế rằng, cái nguyên nhân lớn nhất mà khiến trẻ mắc bệnh viêm tai giữa chính là từ việc bú bình, không phải tại đi học, không phải tại khói thuốc lá, mà là vì sữa công thức. Hãy nghĩ đến những ngày phụ huynh phải nghỉ làm, em bé phải uống kháng sinh, những lúc nửa đêm đi mua thuốc hạ sốt, và những lần đi khám bác sĩ mà tất cả những điều đó có thể được phòng tránh nếu các gia đình lựa chọn cho con bú mẹ.

Bạn thấy đấy, những tế bào chống lại viêm nhiễm có nhiều trong sữa mẹ và không có một tí nào trong sữa công thức. Vậy nên những em bé ăn sữa công thức không chỉ có nguy cơ bị viêm tai giữa mà còn cả tiêu chảy (từ virus rota, E.Coli, cholera, Giadia) và các bệnh đường hô hấp (như RSV, cúm, sưng phổi). Hơn nữa những bé ăn sữa công thức bị meningitis (viêm màng não) nhiều hơn (từ những vi khuẩn H.flu/cúm, sưng phổi, herpes/mụn rộp và liên cầu khuẩn nhóm B).

Bảo vệ khỏi viêm (inflammation)
Những yếu tố trong sữa mẹ bảo vệ trẻ sinh non khỏi những nguy cơ nguy hiểm về đường ruột gọi là necrotizing enterocolitis (NEC)/ bệnh viêm ruột hoại tử (là một cấp cứu nội khoa và ngoại khoa đường tiêu hoá thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh đẻ non, tham khảo thêm http://old.voer.edu.vn/module/khoa-hoc-va-cong-nghe/viem-ruot-hoai-tu.html) Trẻ sinh non ở tuần thai thứ 30 có nguy cơ nhiễm NEC cao gấp 6-10 lần nếu những trẻ đó ăn sữa công thức.

Bảo vệ khỏi ung thư
Một nghiên cứu năm 2002 chỉ ra rằng cứ mỗi 12 tháng cho con bú, thì nguy cơ mắc ung thư vú của người mẹ đó giảm 4.3% so với người chưa bao giờ cho con bú. Một số liệu khác chỉ ra rằng tỉ lệ này giảm 54% đối với người cho con bú quá 24 tháng.

Một nghiên cứu khác năm 1999 tập trung vào nguy cơ mắc bệnh bạch cầu (leukemia, bệnh ung thư của các tế bào máu) giữa những em bé bú mẹ và những bé không bú mẹ. Những em bé bú mẹ thì tỉ lệ nguy cơ mắc bệnh này khi còn nhỏ giảm 21%. Thật đáng buồn rằng, những em bé chưa bao giờ được bú mẹ thì tỉ lệ nguy cơ mắc bệnh cao hơn trẻ bú mẹ.

Bảo vệ khỏi những bệnh tật cả đời
Trẻ bú mẹ ít bị béo phì khi bắt đầu đi nhà trẻ. Và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường mà phải phụ thuộc và insulin thấp hơn 26 lần. Trẻ ăn sữa công thức có nguy cơ mắc bệnh viêm da eczema cao hơn.

Các thành phần được đảm bảo
Sữa mẹ có thành phần giống nhau qua bao nhiêu năm tháng. Nó cũng không cần phải có chiến dịch quảng cáo rầm rộ mỗi khi có thành phần gì mới, bởi vì thành phần của nó không cần phải thay đổi. Những quảng cáo và liên hoan rầm rộ mà các hãng sữa thường làm mỗi khi họ cải thiện sản phẩm của họ thực ra chính là việc họ sửa những lỗi trong sản phẩm. Các hãng sữa nhận ra rằng sản phẩm của họ cần phải thêm vitamin D khi trẻ em bắt đầu bị co giật vì thiếu canxi (vitamin D giúp chuyển hoá canxi, nếu thiếu vitamin D thì trẻ sẽ ko hấp thụ đc canxi). Họ cố gắng ngăn chặn bệnh cao huyết áp ở người lớn với loại sữa bột với hàm lượng muối/sodium thấp cho đến khi trẻ em bắt đầu bị co giật vì thiếu muối. Khi lượng sắt trong sữa không đủ, họ phát hiện ra điều đó vì số lượng lớn trẻ bị thiếu máu, và chúng ta cũng biết được những hậu quả nguy hiểm của việc thiếu máu do thiếu sắt. Các chất trong sữa bột thì vô trùng nhưng cái bột thì lại không. Phần lớn những vụ thu hồi sữa bột là do thành phần bột bị nhiễm bẩn với một loại vi khuẩn nguy hiểm nào đó.

Những thành phần khác, tìm thấy trong sữa mẹ, vẫn không có trong sữa bột... trong tương lai, chúng ta sẽ còn tiếp tục thấy những cải thiện và bổ sung của sữa bột ví dụ như kháng thể infection-fighting oligosaccharides (một loại đường nhóm gluxit), insulin và prebiotic/tiền trợ sinh (là nguồn thức ăn cho probiotic – vi sinh vật hữu ích đường ruột). Điều này đồng nghĩa với những chất này hiện nay chưa có trong sữa công thức.

Vậy thì nếu như một ngày nào đó những thành phần của sữa mẹ có đủ trong sữa công thức....
Hãy ví dụ là họ chế tạo được cái thành phần của sữa mẹ (như tế bào bạch cầu, kháng thể, tế bào chống viêm, và những tế bào sống rất cần thiết cho em bé...) vào trong sữa bột, thì sữa mẹ có vẫn tốt hơn không? Có. Dĩ nhiên rồi. Sữa mà mẹ tiết ra phù hợp hoàn toàn với con mình. Không có bất cứ ai có thể tiết ra sữa tốt hơn. Những kháng thể trong sữa mẹ được làm đặc biệt để chống lại loại virus và vi khuẩn mà mẹ và con gặp phải trong ngày hôm đó. Thành phần của sữa thay đổi qua mỗi cữ, từ sáng đến khuya, từ khi bắt đầu bú đến khi bú xong, nó thay đổi liên tục để phù hợp với nhu cầu phát triển của con và có mùi vị của thức ăn mà mẹ ăn, khiến cho mỗi cữ bú là một vị khác nhau, và hoàn toàn phù hợp với em bé. Không có một hãng sữa nào có thể chế tạo ra loại sữa phù hợp hơn là chính mẹ của em bé đó.

Chú thích...
Nếu bạn đang đọc những dòng này và nghĩ rằng tôi không tôn trọng quyết định của bạn khi bạn muốn cho con mình ăn sữa bột thì bạn đã nhầm. Tôi được biết đến là người ủng hộ sữa mẹ như thể nó là một sinh vật sống. Tất cả các bác sĩ Nhi khoa đều là người ủng hộ sữa mẹ (điều này đúng ở Mỹ, ko đúng ở việt nam các mẹ ạ), họ đã chỉ ra cho các bố mẹ thấy những lợi ích của sữa mẹ. Vì vậy mà tôi dĩ nhiên ủng hộ sữa mẹ, và ủng hộ mạnh mẽ.

Tuy nhiên, tôi cũng ủng hộ bất cứ phương pháp nào mà bạn chọn cho con mình, miễn là bạn hiểu rõ hoàn toàn về phương pháp đó. Và tôi không muốn những thông tin bạn biết đều đi ra từ miệng các hãng sữa bởi vì họ không nói cho bạn biết toàn bộ câu chuyện. Nếu bạn tiếp tục lựa chọn sữa công thức sau khi đọc những dòng này, nghĩa là bạn đã hiểu hết hoàn toàn mọi thứ về nó, và tôi tôn trọng quyết định của bạn.

Đối với những người vì lí do y khoa nào đó là không thể cho con bú, tôi muốn cho bạn biết rằng không phải là phải có sữa mẹ thì con bạn mới đặc biệt. Nếu bạn đã cố gắng cho con bú, và vẫn không được và bạn có một bệnh tật gì đó khiến cho việc cho con bú là điều không thể, thì hãy yên trí rằng hiện nay sữa công thức có đủ những chất mà con bạn cần, và bạn đã cố gắng hết sức rồi. Your children are better for that effort. Và chúng vẫn có thể được hưởng skin to skin contact (da liền da, khi mẹ ôm con mà 2 mẹ con đều ngực trần), con ăn gì không quan trọng. Hãy cứ cố gắng hết mình!




Thursday, July 4, 2013

MỘT CÁI NHÌN MỚI VỀ AN TOÀN TRONG VIỆC CHO CON BÚ KHI MANG THAI


MỘT CÁI NHÌN MỚI VỀ AN TOÀN TRONG VIỆC CHO CON BÚ KHI MANG THAI
Nguồn: http://kellymom.com/pregnancy/bf-preg/bfpregnancy_safety/
Dịch: Minh Nga Nguyễn

Bạn đã sẵn sàng có thêm em bé, nhưng vẫn đang muốn tiếp tục cho em bé đầu của mình bú mẹ? Hoặc bạn đang cho con bú và đang mang thai rồi? Nếu như vậy thì bạn không phải là người duy nhất trong hoàn cảnh này. Trong một nghiên cứu với 179 mẹ cho con bú hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu, thì 61% là có cho con bú khi đang mang thai. Trong số đó, 38% tiếp tục cho em bé mới sinh và bé lớn hơn bú sau khi sinh, và điều này được gọi là “Tandem nursing”.

Nếu bạn thực sự không muốn phải cai sữa một cách không cần thiết, thì bạn có những lí do tốt. Sữa mẹ cung cấp những dinh dưỡng quan trọng và đề kháng cho em bé trong thời gian bé bú mẹ. Và thật ra việc cai sữa trước khi bé 2 tuổi làm tăng nguy cơ bị ốm cho bé. Viện Nhi khoa Mỹ khuyến khích các mẹ cho con bú ít nhất 1 năm, và Tổ chức Y tế thế giới WHO thì khuyên đến 2 năm. Hơn nữa, việc tiếp tục bú mẹ sẽ giúp cho em bé lớn làm quen với việc có em bé mới. Và còn việc gì tốt hơn là cho cơ thể đang mang bầu của bạn chút nghỉ ngơi khi chăm sóc 1 em bé năng động (ý là bạn sẽ ko phải mệt mỏi đi pha sữa, rửa bình sữa, tiệt trùng bình sữa và cho con ăn trong khi chỉ cần cho con ti mà không phải làm những việc kia?)

Khi cân nhắc về sức khoẻ của bản thân khi mang thai và cho con bú, bạn nên suy nghĩ xem việc tiếp tục cho con bú ảnh hưởng thế nào tới sự nghỉ ngơi của bạn, việc tăng cân khi mang thai, và sức khoẻ nói chung. Bạn cũng nên biết rằng việc cho con bú khi mang thai có thể đi kèm đau đớn và khó chịu đối với hầu hết các mẹ, dẫn tới việc một số mẹ muốn cai sữa. Lượng sữa thường bị giảm vào khoảng giữa thời kì mang thai, một số bé sẽ tự cai sữa, một số khác vẫn tiếp tục bú mẹ như bình thường.

Một điều đáng lo ngại nữa là mọi người thường nghĩ cho con bú sẽ làm co bóp dạ con. Liệu cho con bú có gây sinh non hoặc sảy thai không? Tôi đã nghiên cứu sâu vào những tài liệu khoa học và phỏng vấn hơn 200 mẹ, cố gắng hết sức để giúp các mẹ có được câu trả lời chính xác nhất cho vấn đề liên quan tới sức khoẻ quan trọng này. Thực tế, đây là câu hỏi quan trọng nhất khi tôi nghiên cứu để viết cuốn sách “Adventures in Tandem Nursing: Breastfeeding during Pregnancy and Beyond” (Phiêu lưu của Tandem nursing: cho con bú khi mang thai và sau đó), xuất bản tháng 7 2003 bởi La Leche League International. Và đây là những gì tôi học được.

Cho con bú và cơn co tử cung
Tác động tới núm vú sản sinh ra một loại hormone là oxytocin vào trong máu. Oxytocin là chất quan trọng trong việc cho con bú bởi vì nó là chất xúc tác để kích thích các cơ ở bầu vú mẹ co bóp và đẩy sữa ra (gọi là hiện tượng sữa về mỗi khi cho con bú). Oxytocin cũng khiến cho các cơ ở tử cung co thắt. Tất cả các mẹ đều bị tử cung co thắt khi cho con bú, tuy nhiên hầu hết là quá nhẹ để có thể cảm thấy. Tác động vào núm vú cũng làm cổ tử cung mềm ra khi sinh nở, và thúc đẩy quá trình sinh nở khi mẹ đau đẻ. Sau khi sinh con, việc cho con bú một cách đúng đắn sẽ giúp tử cung co trở lại kích thước trước khi mang bầu.

Dựa trên những điều trên, có thể dễ dàng đoán rằng việc cho con bú khi mang thai có thể kích thích sinh non. Câu hỏi này cần được xem xét ở góc độ Y khoa, và xin các mẹ lưu ý rằng hiện giờ thì điều này chưa được thực hiện. Nhưng song song, một số con số sơ khởi thì có chỉ ra rằng việc cho con bú và sinh nở đủ ngày đủ tháng thì không kị nhau (quite compatible). Một nghiên cứu thực hiện bởi Sherrill Moscona năm 1993, phỏng vấn 57 mẹ ở California mà đã cho con bú trong thai kì và sinh những em bé đủ tháng khoẻ mạnh. Dĩ nhiên không phải thai kì nào cũng diễn ra suôn sẻ như chúng ta muốn, mặc dù người mẹ có đang cho bú hay không, do vậy một số mẹ vừa cho bú vừa mang thai cũng có trường hợp sinh non hoặc sảy thai (kể cả những mẹ ko cho con bú khi mang thai thì rủi ro này cũng có xảy ra).

Hầu hết các mẹ đều không cảm thấy co thắt tử cung khi cho bú, kể cả là khi mang thai (93% trong nghiên cứu của Moscona). Những người mà cảm thấy nhiều co thắt tử cung đều nói rằng cơn co chấm dứt khi con bú xong. Giống như Braxtin Hicks contractions (những cơn co giả trong thai kì) thì những co thắt do cho con bú thường không ảnh hưởng gì tới thai kì. Thế là thế nào? Có nhiều tài liệu khoa học để giải thích điều này.

Một tử cung được bảo về chắc chắn
Điều hoang tưởng rằng việc cho con bú kích hoạt sinh non thường xuất phát từ sự thiếu hiểu biết giữa việc tác động vào núm vú, oxytocin và mang thai.

Điều đầu tiên mà ít người biết là khi mang thai, ít oxytocin được tiết ra khi có tác động vào núm vú hơn là khi người mẹ đó không mang thai.

Nhưng cái chìa khoá để hiểu rõ về việc cho con bú và mang thai nằm ở tử cung. Trái ngược với những gì mọi người thường nghĩ, thì tử cung của chúng ta không tiếp nhận oxytocin trước 38 tuần. Kể cả một liều oxytocin nhân tạo cao (Pitocin) cũng không kích thích chuyển dạ cho đến khi thai đủ ngày đủ tháng.

Thay vào đó, tử cung phải tự vận động để chuẩn bị cho việc sinh nở. Bạn có thể coi tử cung mình có 2 chức năng khác nhau: một là nơi yên tĩnh để nuôi dưỡng em bé, và một là cơ quan để giúp đẩy em bé ra ngoài. Những chức năng này cho thấy một khía cạnh hoàn toàn khác về việc tử cung tương tác với oxytocin, và bạn có thể nói là với việc cho con bú. Khi em bé trong bụng lớn dần, tử cung được trang bị để không tương tác với oxytocin trước khi đủ ngày đủ tháng (qua 38 tuần), sau đó để chuẩn bị cho việc sinh nở thì tử cung sẽ tương tác mạnh mẽ với oxytocin.

Nhiều tranh cãi về việc cho con bú và mang thai có nhắc tới “khu vực tiếp xúc oxytocin”, là những tế bào tử cung mà xúc tác với oxytocin (oxytocin receptor) và gây co bóp. Những tế bào này bị hạn chế cho tới 38 tuần, dần dần nhiều lên và đạt con số 300-fold (theo người dịch hiểu thì là nếp gấp ở các cơ) khi bắt đầu đau đẻ. Chính vì việc hạn chế số lượng của các tế bào tiếp nhận oxytocin chính là để tử cung không co bóp nhiều trong 38 tuần đầu của thai kì – nhưng chúng không phải là lí do duy nhất.

Hãy nhìn một cách kĩ càng hơn ở góc độ sinh học vào một tử cung của người mẹ đang mang thai sẽ tìm ra được nhiều thứ bảo vệ con hơn. Để các oxytocin recepter phản ứng mạnh mẽ với oxytocin thì chúng cần sự trợ giúp của một chất đặc biệt gọi là “gap junction proteins”. Sự thiếu hụt những chất này làm cho tử cung không co bóp, nói chung là sẽ không phản ứng mấy với oxytocin kể cả khi số lượng oxytocin receptor cao. Và có một chất chống lại oxytocin, chính là progesterone, có nhiệm vụ ngăn cách giữa oxytocin và các oxytocin receptor trong suốt quá trình mang thai.

Sự kết hợp của 1. Ít oxytocin receptor, 2.không phản ứng và 3.bị chặn bởi progesterone và một số chất anti-oxytocin khác, thì một mình oxytocin không thể kích thích chuyển dạ. Tử cung là một nơi an toàn để bảo vệ em bé khỏi bị đẩy ra ngoài khi em bé chưa sẵn sàng.

Cách giải quyết cân bằng
Chỉ có những nghiên cứu trực tiếp vào vấn đề này mới có thể cho chúng ta câu trả lời rằng tiếp tục cho con bú khi mang thai có làm cho em bé trong bụng có nguy cơ sinh non hoặc sảy thai không. Nhưng bạn thấy đấy, những nghiên cứu có sẵn cho chúng ta bằng chứng để nghi ngờ việc vừa cho con bú vừa mang thai sẽ kích thích chuyển dạ khi cơ thể chưa sẵn sàng. Với những kinh nghiệm thực tế từ các bác sĩ Sản khoa, thì nhiều nguồn tin đáng tin cậy đều nói rằng cho con bú khi mẹ mang thai khoẻ mạnh là điều an toàn, bao gồm cả các bác sĩ (Ina May Gaskin, LM, the American Academy of Family Physicians, and Ruth Lawrence, MD) trong cuốn sách Breastfeeding: A guide for the medical profession. (Bú sữa mẹ: hướng dẫn dành cho người làm y khoa).

Những thai kì có vấn đề thì thường có những quyết định khó khăn, nhưng ở nhiều trường hợp thì vẫn tránh được việc phải cai sữa.  Tôi đã tiếp xúc với nhiều phụ nữ cho con bú khi việc mang thai có nhiều nguy cơ không tốt, kể cả những người bị doạ sinh non, và họ đã sinh những em bé đủ tháng khoẻ mạnh. Đôi khi giảm bú mẹ hoặc cai sữa là quyết định đúng đắn, nhưng không mẹ nào có lựa chọn giống nhau cả.

Có thể bạn nên nói chuyện với bác sĩ của mình để lập ra một kế hoạch cho mình. Đối với bất kì thai kì nào (kể cả người mẹ khoẻ mạnh ko cho con bú) thì bạn cũng nên biết cách nhận biết các dấu hiệu sinh non. Người mẹ nào có co thắt tử cung mà khiến mẹ lo lắng thì nên chấm dứt cữ bú và xem xem tử cung có tiếp tục co thắt không. Một số bác sĩ thì cho rằng nên theo dõi sát xem bú mẹ ảnh hưởng như thế nào tới việc co thắt tử cung, tim thai và cổ tử cung.

Để kết thúc, tôi muốn chia sẻ một câu chuyện của cá nhân. Khi tôi mang thai đứa con thứ 2, tôi đã lo sợ rằng việc cho bé đầu bú sẽ làm ảnh hưởng đến thai kì của mình. Nữ hộ sinh của tôi, Anne Hirsch và Charlynn Daughtry đã quen thuộc với việc giúp đỡ những người mẹ cho con bú. Họ giúp đỡ tôi nhiều để tôi có thể tiếp tục cho em bé Nora Jade 2 tuổi của tôi bú mẹ. Và điều đó rất kì diệu. Sau khi tôi sinh bé Miles tại nhà, con gái tôi chạy vào để gặp em trai mình, và ngay lập tức muốn được bú mẹ cùng với em. “Ti bên này dành cho em”, cô bé nói. Khi chúng cùng bú mẹ và nhìn nhau với những đôi mắt mở to, tôi ôm lấy chúng và thực sự ngạc nhiên với những gì cơ thể tôi đã tạo ra.

Khi quyết định về việc cho con bú khi mang thai, người mẹ nên cân nhắc các lựa chọn của mình, cảm giác của mình và lắng nghe cơ thể mình. Hãy tin tưởng rằng mình có thể đưa ra quyết định đúng nhất cho gia đình.

Một số dấu hiệu của chuyển dạ sinh non:
Hãy nhớ gọi cho bác sĩ ngay khi bạn có một trong những triệu chứng sau:
  • ·      Có 4 cơn co (hoặc nhiều hơn) trong vòng 1 tiếng – toàn bộ tử cung co, cứng lại như quả bóng, có thể đau hoặc không đau.
  • ·      Đau vùng thắt lưng
  • ·      Cảm giác nặng ở khung chậu (pelvic pressure)
  • ·      Co thắt nhẹ (như lúc kinh nguyệt)
  • ·      Dịch âm đạo nhiều hơn, có thể kèm chất nhầy, máu hoặc nước


Nếu một trong những dấu hiệu này xảy ra (hoặc các cơn co khiến bạn lo lắng) khi đang cho con bú, thì nên ngưng cữ bú lại. Điều quan trọng cần nhớ là cho con bú cũng làm tử cung co thắt, và, giống như các cơn co giả Braxton Hicks, những cơn co này không có nghĩa là bạn đang chuyển dạ.

Nếu bạn đã ngưng cữ bú, hoặc lúc bị những triệu chứng đó mà đang không cho bú, và cảm thấy rằng mình có 2 hoặc 3 cơn co trong 1 tiếng, thì bạn nên:
  • ·      Bắt đầu đếm thời gian xem các cơn co cách nhau bao nhiêu lâu và mỗi cơn kéo dài bao nhiêu lâu
  • ·      Đi tiểu
  • ·      Uống một cốc nước đầy (thiếu nước đôi khi cũng dẫn đến co thắt)
  • ·      Nằm nghiêng bên trái, hoặc nằm ra gác chân lên cao và nghỉ ngơi thực sự
  • ·      Và một lần nữa, nếu bạn vẫn có 4 cơn co trong 1 tiếng hoặc nhiều hơn, bạn nên gọi điện cho bác sĩ Sản của mình.


Một chút về tác giả bài viết:
Hillary Flower sống ở Florida với partner là Ben, con gái Nora Jade (5 tuổi) và con trai Miles (2). Cô là tác giả của cuốn sách Adventure in Tandem Nursing: Breastfeeding during pregnancy and beyond, xuất bản tháng 7 năm 2003 bởi La Leche League International (một tổ chức hỗ trợ sữa mẹ khá lớn). Cô tandem nurse (cho 2 chị em bú cùng một lúc) trong vòng 18 tháng khi viết cuốn sách này. Các bài viết của cô cũng được in ở những cuốn tạp chí như Hip mama, New beginning, Leaven và Mothering.