Friday, July 24, 2015

Bạn được khuyên hãy bổ sung sct cho con? 8 bước quan trọng để đánh giá trước những lời khuyên sử dụng sữa bổ sung


Bạn được khuyên hãy bổ sung sct cho con? 8 bước quan trọng để đánh giá trước những lời khuyên sử dụng sữa bổ sung
Gần đây tôi gặp một cặp vợ chồng ở phòng tư vấn nuôi con sữa mẹ. Họ đến cùng em bé khoảng 4 tháng tuổi. Họ mới cho em bé đi khám bác sĩ về. Trong quãng thời gian 15 phút khám, bác sĩ đã nhìn vào biểu đồ tăng trưởng của bé và nhận thấy rằng bé đã tụt từ kênh 50% lúc mới sinh xuống 15% sau 4 tháng. Vị bác sĩ ấy khuyên cha mẹ của bé hãy bổ sung sct cho bé, rồi cho họ về nhà. Có vấn đề gì trong câu chuyện này vậy? Rất nhiều vấn đề! Và sau đây là 8 điều quan trọng mà bố mẹ có thể làm sau khi nghe những lời khuyên như vậy.

1. Đề nghị bác sĩ giải thích rõ ràng lý do vì sao họ khuyên bạn nên cho bé ăn bổ sung. Bởi vì bé đã rớt xuống kênh thấp trong bảng tăng trưởng” không phải là lý do chính đáng để cho bé ăn bổ sung. Một số bé có tạng người nhỏ nhắn hơn các bé khác!

Tôi thường nghe chuyện các bác sĩ sẽ đề nghị bố mẹ bổ sung sct cho trẻ chỉ vì trẻ có kênh phát triển ở vị trí thấp. Nhưng chuyện không đơn giản như vậy. Một em bé nằm ở kênh 10% cũng khoẻ mạnh chẳng kém gì một em bé ở kênh 75%. Chúng ta đều chấp nhận rằng người lớn có người nhỏ nhắn, có người cao to lực lưỡng, nhưng lại băn khoăn khi một em bé phát triển ở kênh “thấp”. Đứa con đầu lòng của tôi trông như một que đậu đũa vậy. Bé phát triển ổn định ở kênh 10% và đạt tất cả các tiêu chí phát triển khác đúng như chúng tôi mong muốn. Bé đạt các tiêu chí về vận động, là một em bé rất vui vẻ… Tôi mãi mãi thầm cảm ơn bác sĩ của bé đã nhận ra điều này và không tạo áp lực để tôi phải bổ sung sct cho bé chỉ vì bé hơi mi nhon.

Vậy thì khi nào thì chúng ta cần lo lắng? Đó là khi mà bé liên tục rớt kênh. Một em bé khi sinh ra nằm ở kênh 95% nhưng lại tiếp tục rớt kênh qua nhiều tháng thì chúng ta cần bắt đầu suy nghĩ. Không phải là một em bé sinh ra ở kênh 10% và tiếp tục phát triển đều ở 10%.  Hãy nhìn lại câu chuyện ở trên, bác sĩ đã không đánh giá mức độ tăng cân của em bé từ khi bé sinh ra. Có sự rớt kênh (50% khi sinh) nhưng sự thật là bé phát triển đều ở kênh 15% trong vòng 3 tháng qua. Bé tăng cân đều đặn đúng theo đường tăng trưởng của riêng bé.

Lời khuyên của tôi là hãy đề nghị bác sĩ hoặc nhân viên y tế của con bạn đánh giá sự tăng trưởng của bé trên bảng tăng trưởng dành cho trẻ bú mẹ của Tổ chức Y Tế Thế Giới, bởi vì những bé ăn sữa mẹ hoàn toàn có sự tăng trưởng khác với những bé ăn sct.

2. Hãy đánh giá một cách toàn diện, không chỉ dựa vào cái bảng tăng trưởng. Tôi muốn nhấn mạnh điều này. Chúng ta không nuôi dưỡng một đứa trẻ dựa vào một cái bảng có những vạch cong cong, chúng ta cần nhìn nhận sức khoẻ của các em bé một cách toàn diện.

Hãy quay trở lại với câu chuyện mà tôi đang kể dở. Vị bác sĩ đó không hề hỏi về quá trình tăng cân của em bé. Bác sĩ cũng không hỏi về các phát triển vận động của bé hoặc nếu bé có biểu hiện gì không đạt các tiêu chí phát triển về thể chất và tinh thần hay không. Và sự thực là em bé này đang phát triển hoàn toàn bình thường. Bé đạt các tiêu chí về vận động và phát triển, bé tiếp tục tăng cân ổn định và giữ vững ở kênh 15% trên biểu đồ tăng trưởng và trong suốt buổi khám, bé tỉnh táo, hoạt bát, mỉm cười và có tương tác với chúng tôi. Bé cũng đi tiểu và đi phân đúng như độ tuổi của bé. Có rất nhiều các yếu tố khác để đánh giá một em bé mà không nên chỉ dựa trên duy nhất 1 cái biểu đồ tăng trưởng. Tôi quan sát em bé này bú mẹ và lập ra một kế hoạch tương lai cùng với bố mẹ của bé. Các buổi tái khám là quan trọng và cần thiết để người mẹ có thể đạt được những mục tiêu về nuôi con sữa mẹ và để đảm bảo rằng bé sẽ vẫn tăng cân và phát triển ổn định trên kênh của bé.

3. Hãy nói về việc cuộc chuyển dạ ảnh hưởng tới cân nặng khi sinh của bé như thế nào.
Đây là điều thường bị bỏ qua hoặc lãng quên, nhưng việc truyền dịch và sử dụng thuốc trong quá trình chuyển dạ có ảnh hưởng tới cân nặng khi sinh của bé. “Có bằng chứng chỉ ra rằng việc truyền dịch trong quá trình chuyển dạ khiến cho em bé bị tích nước (nghĩa là bé có thể tăng một chút xíu trong quá trình chuyển dạ). Việc sụt cân nhiều hơn bình thường trong những ngày đầu sau sinh thường dẫn tới sự bổ sung sct không cần thiết ở trẻ sơ sinh”. Hãy nghĩ về quá trình chuyển dạ và sinh nở của bạn xem. Nó có thể ảnh hưởng tới cân nặng ngay sau sinh của bé đó.

4. Tìm kiếm sự trợ giúp của những người có kinh nghiệm để tìm hiểu tận cùng nguyên nhân vì sao bé không tăng cân nếu như em bé của bạn tiếp tục tụt kênh, sút cân và có những biểu hiện ngừng tăng trưởng. Rất khó để xác định nếu bé có ngừng tăng trưởng hay không vì không có một định nghĩa rõ ràng nào, nhưng nó bao gồm những em bé trông như bị thiếu chất và sút cân hoặc tăng cân rất chậm. Nếu chỉ thông báo cho người mẹ rằng “con của cô có biểu hiện ngừng tăng trưởng” hoặc là “cô cần phải bổ sung sct cho bé ngay” mà không tìm hiểu chính xác nguyên nhân gốc rễ vì sao thì thực sự là một điều vô ích, nó làm cho người mẹ cảm thấy đau khổ vì cô ấy muốn nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. “Để đánh giá được tình hình, cả mẹ cả bé đều phải được quan sát và đánh giá về hành trình nuôi con sữa mẹ”. Thật đáng tiếc là phần lớn thời gian điều này bị bỏ qua, và các cặp vợ chồng bế con về với hộp sữa trên tay.

5. Bạn và bé có được đánh giá kĩ càng để loại bỏ các nguyên nhân có thể ảnh hưởng tới sự tăng cân của bé không? Phần lớn thì nguyên nhân đơn giản là bé chưa có khớp ngậm đúng, bởi vì đa số mẹ đều có khả năng sản xuất đủ sữa cho con mình nếu như bé có khớp ngậm đúng để bú và rút sữa hiệu quả. Tuy nhiên có nhiều nguyên nhân khác khiến cho sản lượng sữa của mẹ kém…

Những nguyên nhân từ mẹ:

Bệnh tự nhiễm  (Autoimmune disease)
Phẫu thuật vú
Bị mắc bệnh nặng
Bệnh mô liên kết (connective tissue disease)
Bệnh rối loạn ăn uống
Suy tuyến yên
Núm vú tụt (Theo những tài liệu mới nhất thì núm vú tụt phẳng không ảnh hưởng gì, vì em bé ngậm vào quầng vú chứ ko ngậm núm vú)
Buồng trứng đa nang
Băng huyết

(Và còn một số nguyên nhân khác)

Những nguyên nhân từ em bé:

Dị ứng (với thực phẩm nào đó mẹ ăn và đi qua sữa mẹ)
Dính thắng lưỡi/môi
Teo đường mật
Hở hàm ếch/ hở môi
Dị tật bẩm sinh hệ thần kinh trung ương
Dị tật tim bẩm sinh
Bệnh xơ nang
Nhiễm trùng tiêu hoá
Dị tật bẩm sinh đường tiêu hoá
Trào ngược thực quản
Có dị tật bẩm sinh về chuyển hoá
Có nhu cầu nạp calorie cao hơn vì các chứng bệnh, viêm nhiễm hoặc chứng kém hấp thu
Những vấn đề về thần kinh

(Và còn một số nguyên nhân khác)

Xin đừng vội vàng hoảng sợ và tự kết luận rằng bạn hay bé đang mắc một trong những chứng bệnh này. Đây chỉ là một vài ví dụ đưa ra để cho thấy rằng có nhiều nguyên nhân sâu xa có thể ảnh hưởng tới sự tăng cân của em bé. Cả 2 mẹ con hãy đi khám, làm xét nghiệm nếu bạn nghi ngờ có một lý do ẩn giấu nào đó ảnh hưởng tới sự tăng cân của bé ngoài lý do liên quan tới nuôi con sữa mẹ, ví dụ như sai khớp ngậm thì có thể sửa được dưới sự hướng dẫn của người có kinh nghiệm.

6. Hãy tìm cho mình một chuyên gia tư vấn nuôi con sữa mẹ, hoặc một người tư vấn có nhiều kinh nghiệm để quan sát bé bú mẹ. Đây là điều rất quan trọng. Không phải chỉ là để quan sát khớp ngậm của bé mà còn để quan sát nhịp bú mút và nhịp nuốt của bé nữa. Việc bé có mút để rút sữa và có đang nuốt sữa hay không rất quan trọng. Đây là bước đầu tiên để thiết lập kế hoạch nuôi con sữa mẹ lâu dài, người mẹ cần biết cách quan sát xem con mình có đang nuốt sữa tốt hay không. Và dĩ nhiên đi kèm với đó là đánh giá những yếu tố liên quan khác, ví dụ như lượng bỉm ướt trong 24h và quan sát xem bé có vui vẻ tỉnh táo hay không. Ví dụ như đa phần thời gian trong ngày bé tỏ vẻ dễ chịu? Hay là bé dành phần lớn thời gian tỏ vẻ khó chịu, hay là buồn ngủ, hay là ngậm ti mẹ rất lâu… Những dấu hiệu này có thể gợi ý rằng bé không ăn đủ lượng sữa trong cữ bú.

7. Tìm một người để cùng bạn lập kế hoạch ngắn hạn và kế hoạch lâu dài. Nếu như việc bổ sung là tối quan trọng và bạn không thể tránh được (tôi khuyên là nên bổ sung sữa mẹ đi xin thay vì sct) thì bạn cần phải lập ra một kế hoạch lâu dài. Việc bổ sung không mặc định là phải là bình sữa và sct. Nếu như em bé của bạn bú mẹ thường xuyên và theo nhu cầu thì bạn có thể sử dụng bộ câu sữa, đây là dụng cụ tuyệt vời giúp cho bé không phải bỏ ti mẹ và giúp tăng sản lượng sữa cho mẹ nhanh chóng trong lúc mẹ cho bé ăn bổ sung. Hãy đọc ở link này câu chuyện về Brogey và lý do vì sao cô ấy đã sử dụng bộ câu sữa trong suốt 2 năm để nuôi bú con gái Junipah.

8. Giữ một thái độ tích cực và thường xuyên giữ liên lạc với các chuyên gia tư vấn sữa mẹ (IBCLC hoặc tư vấn viên). Họ sẽ là những người giúp bạn tìm đến gốc rễ nguyên nhân vì sao bạn thiếu hụt sữa (nguyên nhân từ em bé, hoặc từ mẹ hoặc có thể là từ cả hai) và kế hoạch hành động tiếp theo sẽ là gì. Điều này bao gồm cả những hướng dẫn để nhận biết rằng lượng sữa của bạn đang tăng hay  không và làm thế nào để giảm dần sữa bổ sung.

Ghi chú: Nếu như em bé của bạn thực sự cần được ăn bổ sung thì nguyên tắc đầu tiên là hãy bổ sung cho bé. Dù đó là sữa của bạn hút ra, hay sữa mẹ đi xin hay sct. Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã đưa ra khuyến cáo như sau:

“Trong một vài trường hợp mà em bé không thể, hoặc không nên bú mẹ, thì phương án thay thế tốt nhất là sữa mẹ ruột vắt ra, sữa mẹ đi xin từ một mẹ có sức khoẻ tổng quát tốt hoặc từ ngân hàng sữa mẹ, hoặc thức ăn thay thế sữa mẹ uống bằng cốc..”


­