Friday, October 9, 2015

Vì sao có nhiều phụ nữ không thể nuôi con sữa mẹ?


(Bài gốc http://yournaturalbirth.co.uk/2015/06/02/why-most-women-cant-breastfeed/)
(Lưu ý, có một số chi tiết của bài viết gốc đã được người dịch thay đổi hoặc thêm vào cho phù hợp với các mẹ Việt, được ấn định bằng chữ in nghiêng)


Cuộc chiến giữa những người nuôi con sữa mẹ và không nuôi con sữa mẹ luôn luôn nóng. Các bà mẹ cảm thấy bị mình bị mang ra đánh giá, cho dù họ có nuôi con sữa mẹ hay không, và chúng ta đang sống giữa những cuộc chiến của các bà mẹ. Những mẹ sữa thì cảm thấy rằng xã hội đang xét nét họ vì họ cho con bú nơi công cộng. Những người không nuôi con sữa mẹ thì cảm thấy họ bị khiển trách bởi những chuyên gia tư vấn sữa mẹ, cho rằng họ “lười” và thậm chí là đang “đầu độc” đứa con thân yêu của mình. Trong bài này tôi muốn phân tích thêm về những lý do vì sao có nhiều phụ nữ không thể nuôi con sữa mẹ.

Chỉ có khoảng 1-5% phụ nữ trên toàn thế giới không có khả năng sản xuất đủ sữa cho em bé. Con số thậm chí còn thấp hơn, chỉ khoảng 2% thôi, là thực sự không thể tiết sữa hoặc vấp phải những vấn đề khiến họ không thể cho con bú được (ví dụ như em bé bị sứt môi hở hàm ếch, mẹ có bệnh tuyến yên....) Trong 95% những phụ nữ còn lại có khả năng nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, thì 81% trong số đó đã có cố gắng cho con bú, 17% vẫn đang tiếp tục nuôi con sữa mẹ hoàn toàn ở 3 tháng, và sau đó tỉ lệ này rớt xuống 14% ở thời điểm em bé được 4 tháng. Tỉ lệ em bé vẫn được bú mẹ hoàn toàn lúc 6 tháng ở Anh chỉ có 1%.  (Theo thống kê từ NHS 2010 Infant Feeding Survey). 

Đó là con số ở Anh Quốc, còn ở Vn thì sao? Trong số 95% những người mẹ có khả năng nuôi con sữa mẹ, thì 30% đã có cố gắng cho con bú ngay sau khi sinh, 2% vẫn tiếp tục nuôi con sữa mẹ ở thời điểm 2 tháng, sau đó thì những con số này mất hút hoàn toàn. Ở 6 tháng, tỉ lệ là dưới 1% đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, tpHCM. (Theo thống kê từ Tổ chức Y Tế thế giới 2011)


 
Dựa trên những con số đó, ta có thể thấy nuôi con bằng sữa mẹ thật là khó, phải vậy không? Câu trả lời là đúng, rất khó trong xã hội ngày nay. 
Xã hội của chúng ta không coi nuôi con sữa mẹ là điều đương nhiên. Những người mẹ không nhận được sự trợ giúp mà họ cần. Lý do vì sao đa số các bà mẹ không thành công trong nuôi con sữa mẹ là vì họ thiếu 3 thứ rất quan trọng. Sau đây tôi sẽ liệt kê ra 3 điều tối quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thành công của Nuôi con sữa mẹ:

1.    Lòng quyết tâm cao độ. Có rất nhiều lý do để NCSM: sự gắn bó, tiết kiệm kinh tế, tiện lợi, mẹ giảm cân sau sinh nhanh hơn, em bé khoẻ mạnh hơn... Và nếu bạn không thực sự đặt nhiều suy nghĩ vào việc NCSM và không tìm hiểu về NCSM thì khả năng cao là bạn sẽ nuôi con bằng sữa bột.
2.    Một mạng lưới hỗ trợ tốt. Nếu em bé của bạn không ngậm ti mẹ đúng cách thì khởi đầu cho hành trình NCSM sẽ khá là khó khăn. Thực sự người mẹ sẽ rất mệt mỏi vì phải cho con bú liên tục. Và có người thì cảm thấy ngại ngùng, bởi vì xã hội hiện đại không thiện cảm với những người cho con bú nơi công cộng (ngại ngùng ngay cả trong bệnh viện, giữa một phòng sau sinh hơn chục cái giường, người nhà sản phụ ra vào tấp nập). Rồi có những lý do khác như em bé không tăng cân theo ý muốn của... bác sĩ. Nếu như bạn không có sự hỗ trợ đắc lực từ chồng, mẹ, chị em gái, bạn bè, hoặc nhóm các bà mẹ để hướng dẫn bạn qua những thời điểm khó khăn, thì khả năng cao là bạn sẽ bổ sung thêm sữa bột cho con hay thậm chí từ bỏ NCSM hoàn toàn.
3.    Liên hệ với chuyên gia tư vấn sữa mẹ tốt. Cũng có những chuyên gia giàu kinh nghiệm, và có những chuyên gia không được tốt cho lắm. Khi tôi gặp vấn đề với NCSM, tôi đã gọi điện cho quản trị viên của La Leche League tại thành phố của mình, và cô ấy đã lập tức tới nhà giúp đỡ tôi. Cô ấy đã giúp tôi lấy lại được tinh thần và giới thiệu tới một chuyên gia tư vấn sữa mẹ. Chuyên gia này đã nhận ra được vấn đề là em bé của tôi bị dính thắng lưỡi và giới thiệu tôi tới một bác sĩ để cắt thắng lưỡi cho con. Hơn thế nữa, bảo hiểm của tôi chi trả cho hầu hết những chi phí này. Điều đáng buồn là có một số chuyên gia không thể tìm ra được vấn đề và không giúp đỡ được người mẹ đang hoang mang. Có một số người khác thì không có khả năng tìm sự trợ giúp hoặc không có đủ tiền để chi trả cho những buổi hẹn với chuyên gia tư vấn sữa mẹ và các bác sĩ. (Ở nước ngoài, trung bình 60ph với chuyên gia tư vấn sữa mẹ có giá $80-$120). Tôi muốn nhắn nhủ rằng các mẹ đừng nghe lời những hộ lý ở bệnh viện, hay y tá, thậm chí là các bác sĩ khi họ đưa ra lời khuyên về NCSM. Luôn luôn tìm đến các chuyên gia tư vấn sữa mẹ có bằng cấp. Bởi vì những nhân viên y tế kia không được đào tạo bài bản về sữa mẹ, và khi họ thiếu kiến thức cũng như kinh nghiệm hỗ trợ người mẹ, họ sẽ đưa ra lời khuyên bổ sung sữa công thức, và khiến người mẹ bị rơi vào cái bẫy của ăn bổ sung.


Để có một khởi đầu NCSM tốt đẹp, người mẹ cần có đủ cả 3 điều kiện trên. Trước tiên, nếu người mẹ không có đủ quyết tâm để NCSM, thì người mẹ đó sẽ tìm đến sữa công thức trước khi tìm tới các lựa chọn khác (họ đầu hàng ngay từ điều kiện thứ nhất). Thứ hai, có những người mẹ rất quyết tâm duy trì NCSM nhưng lại vấp phải những lời khuyên của chồng, của cha mẹ, của bạn bè rằng đừng tự làm khổ mình để duy trì NCSM như vậy, rồi họ bắt đầu xuôi lòng và tin rằng sữa công thức cũng tốt thôi. (Đầu hàng ở điều kiện thứ 2). Điều kiện thứ ba, là người mẹ ấy có được sự ủng hộ động viên từ người thân, nhưng không nhận được sự trợ giúp  ừ chuyên gia tư vấn sữa mẹ có trình độ, thì họ sẽ chuyển qua dùng sữa bột. Đôi khi, các mẹ nhận được những lời khuyên tai hại, ví dụ như cho ăn thêm sữa bột sau cữ bú, cho ăn thêm bằng bình sữa (khiến bé bị hỏng khớp ngậm), và mẹ bị giảm sữa do những lời khuyên này. Các mẹ cũng không nhận ra được một điều rằng lượng sữa hút ra được không phản ảnh lượng sữa cơ thể mình sản xuất ra. Có những ngộ nhận rất lớn về cơ chế tiết sữa, sản lượng sữa và làm sao để đo được sản lượng sữa.

Thật khó để người mẹ nào có đủ cả 3 điều kiện trên. Vậy nên, cho dù tỉ lệ phụ nữ có khả năng nuôi con sữa mẹ hoàn toàn là 95%,  thì đây chính là nguyên nhân vì sao tỉ lệ nuôi con sữa mẹ của chúng ta sụt giảm thê thảm chỉ còn 1%. (Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo chúng ta nên cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, và sau đó ăn dặm kèm bú mẹ tới tối thiểu 2 tuổi và lâu hơn). Đây là những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của người mẹ nhưng lại quan trọng đối với sự thành công của hành trình NCSM, vì vậy kể cả khi bạn thực sự rất quyết tâm thì bạn cũng có thể sẽ không có một khởi đầu hoàn hảo và không thể tiếp tục NCSM nếu không có những sự trợ giúp tốt từ những người có kiến thức và kinh nghiệm đúng.
Sau đây là một số lời khuyên không đúng - bởi những người không có đủ trình độ để tư vấn về Nuôi con sữa mẹ: 

·      Bé sụt cân quá nhiều, mẹ cần phải bổ sung sữa công thức cho bé. Đây là lời khuyên sai, bởi vì nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho bé là sữa mẹ. Hãy cho bé bú mẹ trực tiếp theo nhu cầu, kiểm tra khớp ngậm,điều chỉnh tư thế bú, sử dụng phương pháp  bóp sữa trong khi bé đang bú để bé ăn được nhiều sữa hơn (breast compression). Nếu cần, có thể hút sữa ra giữa các cữ bú, và cho bé ăn sữa hút ra bằng cốc, thìa hoặc xi lanh (không bú bình)
·      Bé đã được 2 tuần tuổi nhưng chưa tăng lại bằng số cân nặng khi sinh, cần phải bổ sung sữa công thức. Như tôi đã nhắc ở điều trên, cách tốt nhất để bổ sung là dùng sữa mẹ hút ra giữa các cữ bú. Và các mẹ nên lưu ý rằng không phải bé nào cũng giống nhau tăm tắp. Một số bé cần nhiều thời gian hơn để tăng cân trở lại. Có những bé bị tích nước trong cơ thể (do mẹ được truyền nước trong quá trình chuyển dạ và sinh nở) nên cân nặng khi sinh của bé nặng hơn do nước. Điều này thường thấy ở những bé sinh mổ. Hãy nhớ rằng mỗi bé là một cá thể đặc biệt, không giống nhau, và các chuyên gia cần xem xét nhiều yếu tố khác nhau để xác định nguyên nhân trước khi vội vàng đưa ra kết luận. Nếu như bé đạt các chuẩn phát triển về vận động, giao tiếp và tâm lý thì có nghĩa là bé đang phát triển bình thường, vậy thì những con số trên bàn cân không phải là điều đáng lo ngại. Trong một số trường hợp, có thể mất tới 4 tuần để bé trở lại cân nặng lúc sinh.
·      Đáng ra bé không nên đòi ăn các cữ ngắn như vậy, có vẻ như bé không no, mẹ phải bổ sung sct. Dạ dày của bé sơ sinh rất nhỏ, nhỏ đến nỗi các cữ ăn cách nhau 15ph là điều bình thường. Một số bé sơ sinh mút rất khoẻ, và có thể chỉ cần ti mẹ 5ph là có thể ngủ vài tiếng. Một số bé khác vẫn đang tập ti mẹ và có thể bú trong 1h đồng hồ, ngủ 15ph, rồi dậy và đòi ăn tiếp. Cái quan trọng cần đánh giá là mẹ có bị đau rát không. Việc cho con bú thường không gây ra đau đớn gì cả. Có thể người mẹ cảm thấy hơi khó chịu trong một vài giây đầu tiên khi bé ngậm vào ti, nhưng sau đó thì không cảm thấy khó chịu nữa. Nếu mẹ vẫn tiếp tục thấy đau, rát, khó chịu, hãy tìm đến các chuyên gia tư vấn sữa mẹ để điều chỉnh khớp ngậm, và đánh giá xem con có bị dính thắng lưỡi hay không, và điều chỉnh tư thế bú để bé có khớp ngậm tốt hơn.
·      Em bé không được ngậm ti mẹ cho bất cứ mục đích nào khác ngoài việc ăn. Nếu bạn cho em bé sơ sinh ngậm ti giả thì nó sẽ ảnh hưởng tới việc bú mẹ của bé, khiến cho việc tập khớp ngậm đúng trở nên khó khăn hơn. Cho bé sơ sinh ăn bình cũng sẽ ảnh hưởng tới khớp ngậm đúng. Chuyển động của lưỡi và cơ hàm khi bú mẹ trực tiếp rất khác với chuyển động của lưỡi và cơ hàm khi bú bình. Các nhà khoa học cho rằng sau khi chào đời, em bé ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 4, tức là vẫn còn là một bào thai và điều duy nhất giúp bé cảm thấy yên tâm ở thế giới mới chính là ti mẹ. Đây là điều hoàn toàn hiển nhiên và mẹ không nên từ chối nhu cầu của con hoặc nhét cho con ti giả, thậm chí việc này còn có lợi cho sản lượng sữa của người mẹ. Cách tốt nhất để có nhiều sữa cho con là cho con bú theo nhu cầu, cho con bú càng nhiều càng tốt. 
·      Nếu mẹ muốn biết con ăn được bao nhiêu, hãy thử hút sữa ra xem. Những chiếc máy hút sữa không thể rút sữa bằng em bé được. Hút bằng máy không được nhiều bằng em bé bú trực tiếp, và máy hút sữa thì không kích thích được tới các dây thần kinh tiết sữa để tiết ra theo nhu cầu của bé. Nếu bạn lo lắng rằng em bé của mình bú mẹ chưa no, thì đừng dùng máy hút sữa để đo sản lượng sữa. Thay vào đó hãy đo nước tiểu của bé.

Bạn đang gặp khó khăn trong việc NCSM, vậy thì bạn phải làm gì?  
Đầu tiên, hãy suy nghĩ về những lý do vì sao bạn muốn nuôi con sữa mẹ. Hãy đọc các tài liệu, sách vở để học kiến thức về nuôi con sữa mẹ nếu bạn cảm thấy mình vẫn còn nhiều điều chưa biết.  
Tôi xin giới thiêu tới các mẹ nguồn tài liệu khoa học về NCSM mà cá nhân tôi tin tưởng: 
1. Tài liệu Betibuti 
2. Sách 68 Ngộ nhận Nuôi con sữa mẹ của tác giả Lê Nhất Phương Hồng 
3. Chuyên trang Betibuti 
4. Blog Webcuame 
5. Blog Michanyeu 
6. Babyme 
7. Trang web của Hội Sữa Mẹ (Betibuti)
8. Group Hội Sữa Mẹ (Betibuti)


Thứ hai, hãy tìm một nhóm hỗ trợ tốt. Nếu như chồng, mẹ đẻ mẹ chồng, bạn bè không hỗ trợ bạn, hãy tham gia các nhóm hỗ trợ này.
1. Group Hội Sữa Mẹ (Betibuti)
2. Group Ngân Hàng Sữa Mẹ   
Ở một số địa phương cũng có hội sữa mẹ địa phương, các mẹ có thể tự tìm trên facebook. 

Thứ ba là hãy ghi nhớ trong danh bạ số điện thoại và địa chỉ của một chuyên gia tư vấn sữa mẹ tại thành phố của mình. 
Tại Hà Nội, có thể tìm tới Phòng khám Bác Sĩ Nam, số 2 ngõ 27 Huỳnh Thúc Kháng. 
Tại các tỉnh thành khác sẽ update sau

Thứ tư, nếu bạn đã làm đầy đủ các điều 1,2,3 và vẫn gặp khó khăn, tôi khuyến khích bạn nên hút sữa hoàn toàn cho bé. Tổ chức Y Tế Thế Giới đưa ra khuyến nghị về thứ tự ưu tiên trong dinh dưỡng của trẻ sơ sinh như sau:
 

1. Sữa mẹ ruột bú trực tiếp
2. Sữa mẹ ruột hút ra
3. Sữa đi xin, hoặc sữa từ Ngân hàng sữa mẹ, thanh trùng, HIV âm tính
4. Thực phẩm thay thế sữa mẹ, cho ăn bằng cốc chuyên dụng

Xin phép được nhấn mạnh lại: “thực phẩm thay thế sữa mẹ” (hay còn gọi là sữa công thức) là lựa chọn hạng chót. Tôi đã nhận được rất nhiều sự động viên từ những người mẹ đồng cảnh ngộ không thể cho con bú vì bé bị hở hàm ếch, sứt môi hoặc một lý do nào khác, họ động viên tôi hút sữa hoàn toàn cho con. Cứ 3 tiếng lại phải hút sữa một lần rồi cho con ăn bằng bình, thật không đơn giản chút nào, những người mẹ đó thật đáng ngưỡng mộ.  
Nếu bạn đang mang bầu và chuẩn bị bước vào hành trình nuôi con sữa mẹ, bạn có thể bắt đầu tìm hiểu và chuẩn bị kĩ càng kiến thức để vững tin vượt qua mọi khó khăn sau này. Chúc các mẹ vui bú.