Wednesday, December 3, 2014

Thức ăn nhân tạo hại nhiều hơn lợi

(Save về blog vì bài gốc đăng trên báo tuổi trẻ đã bị xoá, theo lời của Health Coach Trần Lan Hương thì "guồng máy tiền - quyền lobby nhanh thật")

Chỉ nên cho bú bình trong trường hợp bất khả kháng. Với sự phổ biến các thực phẩm đóng hộp, nhiều em bé được nuôi chủ yếu bằng thức ăn nhân tạo: sữa bò, bột ăn liền, vitamin... Không ít người tin rằng với những sản phẩm hiện đại và đắt tiền như vậy, con mình đã có chế độ dinh dưỡng tốt nhất. Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó.
Khi còn là bào thai, trẻ hoàn toàn được nuôi dưỡng thụ động thông qua hệ thống máu trao đổi qua rau thai mẹ. Trong thời gian đó, trẻ hoàn thiện dần các chức năng. Khi ra đời, trẻ mới bắt đầu tiêu hoá tự lập nhưng chức năng này chưa được hoàn chỉnh. Vì vậy, trong vòng 6 tháng đầu đời, thức ăn duy nhất thích hợp với bộ máy tiêu hoá của trẻ là sữa mẹ. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng rẻ tiền và vệ sinh nhất, cũng là một “vũ khí” ngăn ngừa bệnh tật tuyệt vời.
Những năm giữa thế kỷ 20, ở các nước công nghiệp phát triển có phong trào “nhà nhà, người người cho con bú bình”. Tỷ lệ bú mẹ của trẻ em các nước này giảm sút nghiêm trọng. Vài thập niên trôi qua, khi thế hệ bú bình thứ nhất, thứ hai trưởng thành, giới khoa học lên tiếng cảnh báo rằng bú bình gây phiền toái hơn là có ích. Và từ những năm 90, phụ huynh Tây Âu lại quay về với truyền thống cho con bú mẹ. Tại Thuỵ Điển, 98% bà mẹ cho con bú hoàn toàn ngay từ khi sinh.
Trong khi đó thì phụ huynh ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, lại đua nhau "theo Tây”, nghĩa là từ bỏ việc cho con bú mẹ để ăn sữa hộp. Nhiều người quan niệm là cho bú sữa Tây để con mình lớn như Tây, con Tây ăn sữa hộp nên nó mới lớn.
Nên nhớ rằng sữa người là để nuôi người, còn sữa bò là để nuôi bò. Con người cần dinh dưỡng để phát triển trí tuệ, bò cần dinh dưỡng để cho thịt; cho nên sữa bò phải chứa nhiều đạm hơn sữa người. Chỉ có trường hợp đất đắc dĩ mới nên dùng sữa động vật để nuôi trẻ em. Nhiều nước đã và đang áp dụng một chính sách khá nghiêm ngặt về sữa hộp trẻ em, như nghiêm cấm bán sữa lon đại trà, chai sữa và núm ti chỉ được bán theo đơn của bác sĩ.
Với trẻ ăn sam, cần chọn những thực phẩm thích hợp. Trên nguyên tắc, những gì người lớn ăn được thì trẻ em cũng có thể ăn. Nhưng vì chức năng hệ tiêu hoá chưa hoàn thiện nên trẻ phải tập ăn từ những món dễ tiêu, mềm. Một số thực phẩm dễ gây dị ứng (trứng, tôm, cua, lạc) hoặc dễ gây sặc và ngạt (do nhỏ và cứng) thì không cho trẻ nhỏ ăn. Trẻ em cần nguồn năng lượng tức thời để sử dụng ngay (như tinh bột, gạo), để dự trữ (mỡ), để xây dựng cơ thể (đạm, mỡ) và để hỗ trợ (vitamin và khoáng chất). Các thứ này phải được cung cấp theo một tỷ lệ thích hợp nhằm tạo sự cân đối về năng lượng thu nhập.
Có một nghịch lý là sức chứa của dạ dày trẻ em thấp nhưng nhu cầu năng lượng (số calo/số kg) lại cao gấp đôi người lớn. Nhu cầu về các dưỡng chất cũng khác nhau. Trong khi đó, không một thứ thức ăn nào có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng; do đó, phải đa dạng hoá thức ăn. Có những thứ bổ dưỡng thì trẻ chưa tiêu hoá được; có thứ trẻ tiêu hoá được lại thiếu chất bổ dưỡng. Nhiều thức ăn có đậm độ dưỡng tố thấp, phải ăn một số lượng lớn mới đủ nhu cầu mà điều đó lại khó đối với một số trẻ. Nhưng một số trẻ khác có thể thu nạp được hết một lượng thức ăn lớn, đủ lượng dưỡng tố nhưng lại thừa năng lượng. Tình trạng khủng hoảng thừa và khủng hoảng thiếu năng lượng, dưỡng tố là vấn đề hết sức nan giải.
Tuy nhiên, cũng không cầncân đo đong đếm chi li như người thợ bạc. Theo nguyên lý sinh tồn, trẻ sẽ ăn theo nhu cầu của cơ thể. Phụ huynh chỉ việc cung cấp đủ, đa dạng hoá thức ăn thì trẻ sẽ đủ dinh dưỡng. Còn ăn như thế nào, ăn bao nhiêu thì tự cơ thể trẻ sẽ quyết định lấy.
Chính vì sự nhiêu khê của việc lựa chọn thức ăn cho trẻ sẽ khiến các bà mẹ mệt mỏi, nhất là khi họ sống trong thời đại luôn thiếu thời gian. Điều này khiến họ sử dụng các sản phẩm đóng hộp cho trẻ. Những thực phẩm này rất tiện lợi, nhưng không rẻ, và về chất lượng thì còn nhiều cái phải bàn. Thứ nhất, thức ăn được chế biến qua công nghiệp hoá không thể là thức ăn tươi; và đã không tươi thì không thể ngon.
Thứ hai, thức ăn đóng hộp phần lớn có hoá chất bảo quản (nếu tiệt trùng bằng tia cực tím sẽ làm biến chất thức ăn). Cơ thể trẻ phải tải một lượng hoá chất chắc chắn không có lợi; còn hại như thế nào, đến lúc chứng minh được thì đã muộn. Để bắt mắt và để nhại thức ăn tươi, đồ hộp thường được nhuộm màu, khiến gan của trẻ phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ chúng. Đó là chưa kể những phẩm màu độc hại.
Thứ ba, thức ăn chế biến đã bị thất thoát nhiều chất dinh dưỡng và được bù lại bằng các chất nhân tạo. Ít ai nghĩ rằng cơ thể không phải là một nơi để dung nạp công thức toán học. Nó không đơn giản là thiếu một thì bù một, cẩn thận thì bù hai ba. Cơ thể con người chỉ mới được thiên nhiên “thiết kế” để dung nạp thức ăn từ thiên nhiên. Những thức ăn nhân tạo có được cơ thể con người tiếp nhận giống như thức ăn thiên nhiên không, giống đến bao nhiêu, quá trình chuyển hoá và tiếp nhận có khác không..., những điều này chưa được chứng minh. Mà đã chưa biết thì tốt nhất là đừng mạo hiểm.
Thứ tư, thức ăn sẵn thường được chế biến ở dạng rất mềm, rất dễ ăn, không cần nhai, chỉ cần nuốt! Trẻ không phải nhai nên cơ nhai, cơ hàm, hàm và răng kém phát triển. Thức đi qua miệng quá nhanh nên thiếu cơ hội để được nước bọt nhào trộn và tiêu hoá một phần, giảm gánh nặng cho dạ dày. Dạng chế biến sẵn cũng không đảm bảo được lượng chất xơ cần thiết như thức ăn tươi sống, gây táo bón. Một ví dụ: Trẻ con nhai trái cây tươi vừa có lợi cho răng, cho hàm, cơ hàm, vừa có lợi cho hệ tiêu hoá. Còn nếu uống nước quả thì tuy cũng đủ dưỡng tố và năng lượng nhưng tại tăng nguy cơ sâu răng và hỏng răng. Tại sao? Vì khi nhai trái cây tươi, thức ăn phải nằm lại lâu trong miệng, có đủ thời gian để nước bọt tiết ra, nhào trộn, trung hoà và tiêu huỷ bớt chất acid (một trong những thủ phạm chính bào mòn men răng, tạo điều kiện cho sâu răng). Chất xơ trong trái cây chải sạch những acid bám lại, làm sạch răng tại chỗ. Trong khi đó, nếu uống nước trái cây, tốc độ nước đi qua miệng tính bằng giây, acid từ nước quả sẽ đọng lại, bào mòn men và gây hỏng răng, nếu quá trình uống nước quả tái diễn.
Thứ năm, thức ăn sẵn thường khiến trẻ chán ăn hoặc ăn quá nhiều, dẫn đến suy dinh dưỡng hoặc béo phì. 
BS Nguyễn Đình Nguyên, Người Lao Động