Wednesday, November 25, 2015

NÔ LỆ HIỆN ĐẠI CỦA THỰC PHẨM CÔNG NGHIỆP

Ngộ nhận & Giác ngộ:
NÔ LỆ HIỆN ĐẠI CỦA THỰC PHẨM CÔNG NGHIỆP
(Nguồn: Chuyên Gia Betibuti)
Chúng ta rất cần thực phẩm và chúng ta cũng cần có công nghiệp thực phẩm bền vững và có trách nhiệm.
Hãy dừng lại và suy nghĩ, chúng ta đã đi quá xa và một cách vô thức đang đều trở nên quá phụ thuộc và trở thành nô lệ của thực phẩm công nghiệp.
1- Tài liệu "Không cứu trợ thiên tai bằng sữa bột công thức" của WHO/ UNICEF nhấn mạnh rằng, hành động cứu trợ thiên tai bằng sữa công thức là không nhân đạo. Bởi vì trong thiên tai, chiến tranh, bà mẹ dù không có gì ăn cầm hơi vẫn đủ sữa mẹ để cho trẻ, nếu trẻ cứ tiếp tục mút theo nhu cầu. Nên cứu trợ thực phẩm cho bà mẹ, và con sẽ bú mẹ. Khi được cứu trợ sữa công thức, trẻ có nguy cơ tiêu chảy cao vì điều kiện vệ sinh của nguồn nước và dụng cụ pha chế cho bú sữa. Do đó, UNICEF còn kêu gọi người cứu trợ hãy khuyến khích bà mẹ cho con bú ngay cả những bé chập chững tưởng đã cai sữa để tái kích sữa mẹ làm thức ăn an toàn cho trẻ vượt qua gia đoạn khó khăn về thực phẩm này. Con k có gì ăn, cứ liên tục mút thì sữa mẹ sẽ được tái kích.
Điều tác hại đặc biệt cần chú ý khi dùng sữa công thức là hệ quả sau đó. Vì trong thời gian bé được nuôi bằng sữa cứu trợ sữa của bà mẹ sẽ cạn dần, và khi điều kiện sinh hoạt sau thiên tai được phục hồi, bà mẹ không còn sữa và viện trợ cũng đã hết, không có tiền để mua sữa bột cho trẻ dẫn đến suy dinh dưỡng và tử vong thật là bi đát.
2- Vì sao chúng ta dùng sữa công thức khi không khủng hoảng, khi không thiếu thực phẩm, khi mẹ không đang sống giữa thiên tai?
Tỉ lệ nuôi con sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu của thế giới ước tính khoảng 37%, và những nước thấp nhất dưới 20% (trong đó có VN) và những thành phố thấp nhất có tỉ lệ dưới 1% (trong đó có HN & HCM).
Khi có quá ít người biết nuôi con sữa mẹ, chúng ta đánh mất kỹ năng này! Chúng ta không có ai biết để hướng dẫn cách da tiếp da, đặt con vào tư thế đúng như thế nào, chúng ta không biết sữa mẹ không cần đo, không cần đếm, không cần xem màu sắc như thế nào. Chúng ra không biết cách hiểu giấc ngủ của trẻ bú mẹ, phân của trẻ bú mẹ, và tốc độ ptr cân nặng chiều cao của trẻ bú mẹ.
Và kỹ năng đó cứ mai một dần đi, chúng ta trở thành nô lệ của một cách nuôi con công nghiệp.
"Không cho con uống sữa công thức thì để chết đói à?" Không cho con uống sữa bò, cho nó còi cọc à?" Những lời khẳng định chắc nịch và mạnh mẽ này của một đám đông đã bị biến thành "nô lệ" của sản phẩm công nghiệp từ bao giờ...
3- Phim tư liệu Monsanto http://youtu.be/su0om5L4Bhg mô tả sự đô hộ của nền công nghiệp thực phẩm, đầu tiên là đối với nông dân dưới chế độ luật pháp bất công của Mỹ, Canada bảo vệ bản quyên GMO của đại tập đoàn Monsanto, biến người nông dân thành nô lệ trên chính đất đai của họ, nơi mà họ đã canh tác và lao động chân chính qua nhiều thế hệ.
"Họ đang biến chúng ta thành nô lệ trên chính đất đai của mình." Từ NÔ LỆ trong lời phát biểu trong phim làm tôi thức tỉnh. Tôi giác ngộ về tự do và lệ thuộc, tự tại và nô lệ ngay trong cuộc sống hiện đại này.
Tạo hoá ban ra cây cối, hạt giống, nước, không khí và nắng trời.. đồng đều cho tất cả dân cư trên mặt đất, vì sao ngày nay nó trở thành tài sản của một số ít người, một số ít đại tập đoàn?
Sự vô tình của chúng ta, phần đông nhân loại vẫn vô tư dùng sản phẩm của đại tập đoàn công nghiệp, không chỉ tiếp tay cho đại tập đoàn như Monsanto biến người nông dân thành nô lệ, không chỉ người nông dân trồng GMO mà ngay cả người nông dân trồng tự nhiên truyền thống cũng bị "cướp" hạt giống và đất đai tự nhiên phong phú của họ, mà chính chúng ta cũng đang bị biến thành nô lệ vô thức của chuỗi công nghiệp thực phẩm này.
4- Rất nhiều người Mỹ - người Anh không còn biết nấu ăn! Điều đó có vẻ khó tin và nếu có thật thì đáng nực cười, nhưng đó là sự thật. Thức ăn nhanh, thức ăn đông lạnh, bữa ăn hâm microwave 3' quá tiện lợi tiết kiệm thời gian, phổ biến, phong phú lựa chọn và được quảng cáo là dồi dào dinh dưỡng, đã khiến nhiều người, nhiều gia đình quên mất thế nào là nấu ăn từ từng thực phẩm nguyên liệu riêng biệt. Xem video "The fastfood baby" http://youtu.be/R_Rof46gJbA để có thể hình dung được cụ thể hơn, khi có những gia đình có hai con nhỏ và bà mẹ chưa nấu một bữa ăn nào.
Họ phụ thuộc đến mức, đến khi biết rõ tác hại của cách dinh dưỡng như thế, họ không biết phải thay đổi như thế nào, vì họ không biết nấu ăn.
Những người được cho rằng biết nấu ăn ở xã hội phương tây hiện đại là sợi mì trụng nước sôi, sốt cà hoàn chỉnh gia vị thịt rau thơm trong lọ thuỷ tinh chỉ cần đổ trộn vào mì. Đó gọi là biết nấu ăn! Bột bánh trộn sẳn mọi thứ đường công nghiệp bột nổi, màu hương liệu phụ gia, chỉ cần đánh trứng, trộn bột, đút lò là biết làm bánh!
Người không biết nấu ăn đã trở thành nô lệ của công nghiệp thực phẩm!
(Có lẽ một số ít người Phương Tây bị dị ứng với một loại thực phẩm nào đó, phải tốn nhiều thời gian tự làm mọi món ăn từ nguyên liệu thô sơ nhất để biết chắc trong món ăn của mình có gì, là những người ít ỏi may mắn còn có kỹ năng tự nấu ăn không quá phụ thuộc thực phẩm công nghiệp!)
5- Người Việt, may mắn thay, vẫn tự đi chợ nấu ăn tươi mới gần như hàng ngày! Chứ không tệ như Anh Mỹ. Người Việt ưu chuộng rau củ quả tự nhiên hơn là thực phẩm công nghiệp đóng hộp vẫn còn rất đông (dù có sợ an toàn thực phẩm). Đó là điều đáng mừng, và đó là lý do ẩm thực Việt Nam được ưa chuộng và khen ngợi khắp trên thế giới.
(Đáng tiếc là, dù không hề ưu chuộng đồ công nghiệp, đồ hộp.. rất nhiều ông bà bố mẹ Việt không tính sữa bột và bột ăn dặm, thức ăn công nghiệp của trẻ em là "dồ hộp"!)
Chúng ta chỉ có một nhược điểm là dùng mì chính/ bột ngọt làm gia vị nêm nếm thường ngày, và các gia vị khác như bột nêm, nước mắm nước tương công nghiệp ngày nay cũng chứa đầu bột ngọt/ mì chính. Do đó, trong một chia sẻ về dinh dưỡng gần đây, tôi có bàn về tác hại của mì chính và một số phụ gia công nghiệp. Sự phản kháng một lần nữa rất mạnh mẽ và chắc nịch: "Không ăn mì chính thì nuốt không trôi được, thiếu chất cũng chết à!" "Cũng có hơi lo là độc hại đó, nhưng không biết k dùng nó thì thay bằng cái gì?"...
Tôi hình dung là người tù bị mang xiềng xích khi nghe hai câu nói này.. xiềng xích khẩu vị. Khẩu vị của chúng ta đã bị biến thành nô lệ của phụ gia thực phẩm. Não chúng ta ghi nhận "ngon miệng" khi có sự kích thích giả tạo và gây nghiện của phụ gia thực phẩm. Chúng ta đã mất sự tự do để có thể thưởng thức hàng trăm hàng ngàn hương vị thực phẩm tự nhiên thơm ngon của cuộc sống mất rồi!
Khi chúng ta phải dùng "chất kích thích", "chất gia tăng hương vị" để cảm thấy ngon miệng, chúng ta đã mất một phần tự do của trí thông minh dinh dưỡng của bộ não!
6- Những bà mẹ uống sữa bầu từ thai kỳ, những đứa trẻ bú sữa công thức từ bé đã bị "tẩy não" trong trí thông minh dinh dưỡng, ghi khắc vào tiềm thức khẩu vị của thực phẩm công nghiệp và gia vị công nghiệp, sinh ra một thế hệ "nghiện" thực phẩm công nghiệp với những gia vị đó, "như đã quen nhau từ kiếp trước". Bởi vì trí thông minh dinh dưỡng đã xây dựng tiềm thức cho khẩu vị ẩm thực từ trong nước ối, sữa mẹ (hay sct nếu k đc bú mẹ hoàn toàn) và trong những năm tháng đầu đời.
Một thế thệ mới sinh ra đời đã có "tiềm thức" khẩu vị ẩm thực quen thuộc đối với thực phẩm công nghiệp.
7- Tôi cũng vậy, tôi cũng muốn nấu ăn không phụ thuộc (có thể dùng - nhưng không phụ thuộc) vào những sản phẩm công nghiệp chưa qua nhà máy, chưa bị chế biến và giảm thiểu can thiệp công nghiệp và tôi cũng đã hết sức lúng túng.
Có phải bạn cũng cảm thấy, thời này muốn ăn uống sạch, lành mạnh sao mà khó quá?
Ở đây, tôi chỉ bàn đơn thuần về sự tự do và sự phụ thuộc, chứ chưa bàn đến tác hại hay lợi ích của sf thực phẩm công nghiệp.
Hãy xem phim tư liệu Food, Inc (tiếng Anh) http://youtu.be/uMVdrEo5130 để hiểu chúng ta đang đi về đâu trong công nghiệp thực phẩm. Đó không còn là vấn đề của Anh - Mỹ, mà của nhân loại trong thời đại này.
Tôi đã từng nghĩ mọi việc đều ổn, công nghiệp hoá thực phẩm để con người có thời gian làm những việc có ý nghĩa hơn, cao quý hơn là mất thời gian chăm chút cho miếng ăn! Nhưng rồi tôi đã được đánh thức, để nhìn thấu những khái niệm đã và đang bị đánh tráo, nhận diện được những cạm bẫy mới được giăng ra...
Tôi hiểu được ý nghĩa của sự công bình mà Đấng Tạo hoá đã ban tặng, và giá trị của từng thực phẩm được tấu tập bởi tinh hoa trời đất, mà chưa có phòng thí nghiệm nào của công nghiệp thực phẩm có thể vượt qua được.
Đừng hiểu lầm rằng tôi đang kêu gọi bạn trở về thời tiền sử ăn lông ở lổ. Nhân loại được sinh ra để xây dựng nền văn minh tiến bộ không ngừng, trên cơ sở công bình, tôn trọng và bền vững, giữa con người với con ngừoi và giữa con người với thiên nhiên và môi trường, nên chúng ta sẽ không ngừng tiến bộ và phát triển, nếu theo đúng quy luật đó.
Tôi đã từng nghĩ, con người có thể sống tốt mà k cần có ý thức về linh hồn, không cần có Thượng Đế, không cần phải học theo Đấng Giáo Tổ nào. Nhưng cái tôi đang quan sát được, chứng minh cho tôi cuộc sống dẫn dắt bởi đồng tiền, không có linh hồn hướng thiện, là 1 cái la bàn gãy kim.. con đường chúng ta đang đi không có kim chỉ đường, nên đã lạc đi rất xa rồi...
Đừng mong các đại tập đoàn sẽ thay đổi, hãy để thay đổi đó bắt đầu từ sự "giác ngộ" của mỗi người, hãy tìm lại cái kim la bàn cho chính cuộc sống của bạn.

CÔNG THỨC GÂY BÉO PHÌ TRẺ EM

Video clip của Bác sĩ Michael Greger NutritionFacts ngày 13/4/2015
Từ 30 năm qua, chúng ta đã biết rằng cho con bú mẹ là cách chống lại nạn béo phì. Vì sao vậy? Cho trẻ em bú sữa bột công thức làm từ sữa bò tạo nên một tình huống bất thường, bởi vì đó là loại sữa nhằm giúp cho con bê tăng trọng mỗi ngày một kg, bằng 40 lần tốc độ tăng cân của em bé người. Thức ăn đúng cho con người là sữa mẹ người đã được tinh tuý hoá qua hàng triệu năm.
Đáng chú ý thật khi mà trong tất cả những loài động vật có vú chỉ có sữa con người có tỉ lệ protein thấp nhất. Lượng protein dư thừa trong sữa bột công thức cho trẻ em được cho rằng chính là nguyên nhân khiến trẻ béo phì về sau này.
Và thay vì hết tuổi uống sữa mẹ rồi thì không cần sữa chỉ cần ăn, con người lại tiếp tục uống sữa bò. Vấn đề được nêu ra rằng việc hấp thụ hocmon tăng trưởng của một giống loài khác suốt thời thơ ấu về cơ bản đã biến đổi quá trình phát triển và trưởng thành của cơ thể người, nghiên cứu này đưa ra một số bằng chứng rằng việc uống sữa có mối liên hệ với việc gia tăng nguy cơ gây dậy thì sớm. Bé gái uống nhiều sữa bò có khuynh hướng thấy kinh nguyệt sớm hơn.
Việc uống sữa của giống loài khác ngay từ tuổi nhỏ có thể gây ra những hậu quả không lường. Ngược lại với sữa bột công thức cho trẻ em, chỉ có sữa mẹ người, lập trình cơ thể một quá trình hấp thụ giúp chống lại các chứng bệnh của thời đại sau này trong đời.
Tiếp tục uống sữa bò và sản phẩm sữa bò ở lứa tuổi thanh thiếu nên và tuổi trưởng thành là một hành vi mới cải biến đổi sự tiến hoá có thể về lâu dài gây hậu quả tiêu cực cho sức khoẻ của loài người.
Tuổi thiếu niên dùng nhiều protein sữa bò, cho dù là sữa giàu casien, sữa gầy, hay sữa whey, sẽ có BMI cao, tăng nguy cơ béo phì so với nhóm không dùng những sản phẩm đó. Chỉ có một trong số những báo cáo khoa học do hãng sữa tài trợ là không nói tốt cho hãng sữa.
Giám đốc trung tâm phòng chống béo phì của bệnh viện trẻ em Boston Masschusetts và chủ tịch ban dinh dưỡng đại học y Havard trong tạp chí Nhi khoa AMA đặt vấn đề thắc mắc về vai trò của sữa bò trong dinh dưỡng của loài người. Loài người rõ ràng không có nhu cầu dinh dưỡng bằng sữa của giống thú nào. Mà thật ra sản phẩm sữa bò còn góp phần trong sự phát triển của một số loại ung thư, do nồng độ cao của các hocmon sinh sản trong nguồn sữa ở Mỹ (ND: và các nước vẫn sử dụng tiêm hocmon sinh sản cho bò sữa.)

Sunday, November 15, 2015

Chính sữa bột công thức sau khi tiêu hóa giết chết các tế bào khỏe mạnh, sữa mẹ thì không thế!

Ngộ nhận và Giác ngộ: 
TÁC HẠI CỦA SỮA CÔNG THỨC
Chính sữa bột công thức sau khi tiêu hóa giết chết các tế bào khỏe mạnh, sữa mẹ thì không thế!

Nguồn: https://www.breastfeeding.asn.au/digested-artificial-baby-m…
Người dịch: Nguyễn Quỳnh Anh
Hiệu đính: CG Betibuti

Bài báo cáo của Tiến sỹ Susan Tawia, Chuyên viên thông tin khoa học cấp cao, thuộc nhóm nghiên cứu về sữa mẹ, viết cho Tạp chí định kỳ gửi tới các thành viên là chuyên gia y tế.
Khoa học đã chứng minh từ lâu rằng trẻ sinh non ăn sữa bột công thức có nguy cơ bị hoại tử đường ruột cao hơn trẻ được bú sữa mẹ, nhưng cơ chế đáng lưu ý này chưa được hiểu rõ. Theo một nghiên cứu của Penn và các tác giả khác (năm 2012), axit béo tự do sinh ra trong quá trình “tiêu hóa” sữa bột công thức để mô phỏng những gì xảy ra trong dạ dày trẻ sơ sinh, đã gây chết các tế bào – điều có thể đã tiếp tay vào việc gây hoại tử đường ruột.
Tác giả Penn và Schmid-Schonbein (năm 2008) đã tìm ra rằng những thức ăn chưa được tiêu hóa hết trong ruột của người trưởng thành chính là cytotoxic (chất độc có khả năng tiêu diệt tế bào) đã sinh ra một số loại axit béo tự do – loại chất gây tổn thương cho màng tế bào. Thành ruột của người lớn và trẻ lớn hơn có màng nhầy hoàn thiện hơn nên có thể ngăn chặn sự tấn công của các axit béo tự do này. Còn trẻ sơ sinh bị hiện tượng “hở ruột” (có niêm mạc ruột chưa hoàn thiện), đặc biệt đối với trẻ sinh non, lý giải cho sự tăng nguy cơ bị hoại tử đường ruột ở những trẻ này. Một nghiên cứu gần đây của Penn và các tác giả khác (năm 2012) đã so sánh khả năng tiêu diệt bạch cầu, các tế bào mô và tế bào niêm mạc ruột, của sữa các loại sữa sau tiêu hóa, trong đó có sữa mẹ người và 9 loại sữa bột công thức khác nhau. Họ đã đưa ra được lý thuyết rằng, sau khi được tiêu hóa bởi các enzyme, chính sữa bột công thức, chứa những axit béo tự do - thứ sẽ sinh ra chất độc cytotoxic đối với tế bào và giết chết các tế bào, trong khi sữa mẹ người thì không bị thế.
Các nhà nghiên cứu đã mô phỏng trong phòng thí nghiệm quá trình “tiêu hóa” bằng cách cho các men tiêu hóa hoạt động trên các loại sữa bột công thức dành cho trẻ sinh non và trẻ sinh đủ tháng, cũng như sữa mẹ mới vắt. Sau đó họ kiểm tra nồng độ axit béo tự do ở các loại sữa bột công thức và sữa mẹ. Họ cũng kiểm tra xem các axit béo này có tiêu diệt 3 loại tế bào có liên quan đến hiện tượng hoại tử đường ruột không: tế bào mô ở niêm mạc ruột, tế bào mô ở thành mạch máu, và bạch cầu (loại tế bào sẽ “phản hồi” đầu tiên với sự sưng viêm khi bên trong cơ thể bị thương tổn).
Kết quả quá rõ rệt, sữa bột công thức sau khi được “tiêu hóa”, hay chính là chất độc cytotoxic, trong vòng chỉ 5 phút đã giết chết các tế bào khỏe mạnh, trong khi đó sữa mẹ không hề có hiện tượng này.
Ví dụ, sữa bột công thức đã “tiêu hóa” đã làm chết từ 47% đến hơn 90% lượng bạch cầu, trong khi chỉ 6% lượng bạch cầu bị chết khi tiếp xúc với sữa mẹ đã “tiêu hóa” (Bảng 1). Nồng độ axit béo tự do trong sữa bột công thức cao hơn rất nhiều so với nồng độ axit béo tự do trong sữa mẹ, và nồng độ axit béo này có liên quan đến sự hoại tử đường ruột. Sữa bột công thức sau khi được “tiêu hóa” cũng cho thấy chứa nhiều chất độc cytotoxic hơn sữa mẹ sau khi được “tiêu hóa” khi nó được nhỏ vào các tế bào mô và tế bào niêm mạc ruột đựng trong ống nghiệm.
Chất lỏng mẫu Tiêu hóa bằng
Lipase
Sữa mẹ mới vắt 3.0 ± 1.7 6.2 ± 7.4
Sữa Enfamil Infant 10.1 ± 7.3 60.0 ± 15.6
Sữa Similac Advance 8.6 ± 7.3 93.4 ± 3.3
Sữa Similac Soy 4.3 ± 2.1 70.8 ± 13.5
Sữa Enfamil Premature 20kcal/oz (cho trẻ sinh non) 9.8 ± 4.9 95.0 ± 3.1
Sữa EnfaCare 22kcal/oz 11.6 ± 2.6 46.7 ± 10.1
Sữa Similac Special Care 20kcal/oz 12.6 ± 3.1 97.0 ± 0.4
Sữa Similac Expert Care NeoSure 22kcal/oz 16.5 ± 5.6 90 ± 1.9
Bảng 1: Bạch cầu bị chết 1 giờ đồng hồ sau khi tiếp xúc với chất lỏng mẫu (nước muối chứa phosphate) và sau khi tiếp xúc với sữa mẹ hoặc sữa bột công thức đã cho “tiêu hóa” bằng men lipase.
Nghiên cứu này đã tìm ra rằng sữa bột công thức “tiêu hóa” theo cách này đã biến thành chất độc cytotoxic, nhưng sữa mẹ sau khi được “tiêu hóa” thì không hề bị thế. Nhóm nghiên cứu cho rằng hầu hết các loại thức ăn, bao gồm cả sữa bột công thức, đều sản sinh ra nồng độ axit béo tự do cao trong quá trình tiêu hóa, nhưng cũng trong quá trình đó, sữa mẹ lại không hề sản sinh loại axit béo tự do độc hại này.
Sữa mẹ tiêu diệt tế bào ung thư
Trái lại, hai chất trong sữa mẹ đã được tìm ra là có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư trong ống nghiệm.
Chất tiêu diệt tế bào khối u Human Alpha-lactalbumin Made Lethal to Tumour cells (HAMLET) là một loại phức hợp chất béo-đạm chứa trong sữa mẹ, có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư. Chất HAMLET kỳ diệu này đã được chứng minh là có thể giảm ung thư vú và ung thư bàng quang khi cho tiếp xúc trực tiếp. Chất HAMLET được tạo thành trong phòng thí nghiệm ở độ pH thấp từ α-lactalbumin và axit oleic là 2 chất đều có mặt trong sữa mẹ riêng lẻ, còn HAMLET kết hợp thì không có trong sữa mẹ. Các nhà nghiên cứu đã giả định rằng chất HAMLET có thể được kết hợp lại trong dạ dày trẻ sơ sinh và điều này đã đóng góp vào sự khác biệt lớn giữa tỉ lệ mắc bệnh ung thư giữa trẻ được bú mẹ và trẻ nuôi bằng sữa bột công thức (nghiên cứu của tác giả Mok năm 2007). (Trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa mẹ có tỉ lệ mắc bệnh bạch cầu máu cấp tính và bệnh bạch cầu tủy cấp tính thấp hơn trẻ sơ sinh nuôi bằng sữa bột công thức – tác giả Ip năm 2007).
TNF-Related Apoptosis-Inducing Ligand (TRAIL) là một chất khác cấu thành trong sữa mẹ có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư. TRAIL gắn kết vào “điểm thụ thể tự hủy” (death receptor) trên bề mặt các tế bào ung thư và kích hoạt quá trình tự hủy của các tế bào này. Các nhà khoa học vẫn chưa rõ tại sao chất TRAIL không hề tiêu diệt các tế bào khỏe mạnh, nhưng có thể do tế bào khỏe mạnh chứa rất nhiều điểm thụ thể bảo vệ (decoy receptor) – đối kháng với “điểm thụ thể tự hủy” (death receptor) để TRAIL có thể nhận diện. Chất TRAIL cũng có các công năng khác và có thể tham gia vào việc thúc đẩy sự phân loại tế bào ở niêm mạc ruột. Các nhà khoa học đang nghiên cứu để tìm ra cách sử dụng chất TRAIL này trong điều trị bệnh ung thư (tác giả Allen & El-Deiry năm 2012, tác giá Stolfi, Pallone và Montelone năm 2012). Nồng độ chất TRAIL trong sữa mẹ gấp 100 lần trong huyết thanh (tác giả Davanzo năm 2012).

Các báo cáo về những chất cấu thành trong sữa mẹ có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư trong ống nghiệm đã đem lại hy vọng cho các bệnh nhân ung thư rằng sữa mẹ có thể giúp họ. Tác giả Rough và các giả khác (năm 2009) đã báo cáo một nghiên cứu về kết quả sau khi sử dụng sữa mẹ trên 10 bệnh nhân ung thư. Hầu hết các bệnh nhân đều phản hồi rằng họ cảm thấy một số lợi ích, như tăng sự thèm ăn và giảm triệu chứng nôn ói trong quá trình hóa trị. Mặc dù vậy, nghiên cứu này đã không đánh giá tiến triển về mặt sức khỏe trên các bệnh nhân này.


Wednesday, November 11, 2015

CÙNG SỮA MẸ CHIẾN ĐẤU VỚI UNG THƯ: CÂU CHUYỆN CỦA BÉ SỮA CLAY

Người dịch: Lanh Do 

Mỗi năm trôi qua, chúng ta lại học được thêm nhiều điều về những lợi ích to lớn cho cả mẹ và con mà nuôi con sữa mẹ mang lại. Có một lợi ích đã khiến tôi rất thích thú đó là cách mà sữa mẹ hoạt động trên những tế bào ung thư. Trong những nghiên cứu gần đây, một chất gọi là Human Alpha-lactalbumin Made LEthal to Tumour cells (HAMLET) đã được chứng minh có thể tiêu diệt các tế bào ung thư. Các bạn có thể tham khảo thêm bằng tiếng anh thông qua link này: 

Ý tưởng của việc này thực sự rất thú vị thậm chí có thể gây “lạnh gáy” khi nghĩ về nó. Nhưng chỉ một vài tuần trước tôi đã có hơn cả 1 nghiên cứu. Tôi có 1 câu chuyện thật về người mẹ cùng với chàng trai đang chiến đấu với ung thư.

Alayna là em họ của tôi và con trai cô ấy, bé Clay, đã được chẩn đoán bị bệnh bạch cầu khi bé được 15 tháng tuổi. Tôi đề nghị Alayna chia sẻ một chút về hành trình chạy chữa ung thư của Clay để những thông tin này có thể được lan toả và giúp đỡ nhiều người khác nữa.
“Có nhiều người nói rằng họ yêu thích mọi thứ liên quan tới nuôi con sữa mẹ. Tuy nhiên, tôi không nằm trong số đó. Tôi học ngành Y, vì vậy tôi luôn luôn nhận thức đầy đủ về lợi ích sức khỏe của nuôi con sữa mẹ. Thêm nữa, chị gái tôi - là người rất ủng hộ nuôi con sữa mẹ - đã động viên tôi không sử dụng sữa công thức và tôi đã không sử dụng. Tôi có 1 bé trai khôi ngô tuấn tú tên Clay. Bé rất yêu sữa mẹ, khi tôi đi làm trở lại, tôi đã phải hút sữa nhiều lần trong ngày. Điều đó tốn rất nhiều công nhưng tôi rất hạnh phúc vì mình đang mang lại những gì tốt nhất cho con. Tôi đã hạ mục tiêu nuôi con sữa mẹ trong 1 năm và tôi đã làm được hơn như thế! Bé Clay càng lớn, mục tiêu càng trở lên dễ dàng. Khi bé tự thôi bú lúc 14 tháng tuổi, tôi thực sự cũng hơi tiếc nuối.”

Clay là một cậu bé hạnh phúc và mạnh khỏe, luôn tràn đầy năng lượng. Cậu bé là tình yêu lớn của chúng tôi. Khi bé 15 tháng tuổi, một vết thâm nhỏ đã xuất hiện trên trán của Clay. Bé bị té một vài ngày trước, do vậy mà chúng tôi nghĩ rằng có lẽ vết bầm từ cú ngã đó mà ra. Tuy nhiên chúng tôi đã dẫn bé  tới khám một vài bác sỹ và làm một số xét nghiệm. Lúc đầu không ai lo lắng về chuyện này cả. Họ kết luận đó chỉ là “khối tụ máu”, nhưng khối tụ này lan toả một cách nhanh chóng và chúng tôi quyết định tới St.Louis để gặp một chuyên gia. Sau 5 tuần khám gần 8 bác sỹ khác nhau và làm tất cả các xét nghiệm, họ đã quyết định làm sinh thiết.

Mười ngày sau, chúng tôi nhận được cuộc gọi đã thay đổi cuộc đời chúng tôi mãi mãi. “Con bạn mắc bệnh bạch cầu”. Chúng tôi gói ghém đồ đạc và tiến thẳng tới Bệnh viện Nhi St. Jude. Chúng tôi sớm thấy rằng Clay đã bị bệnh bạch cầu hỗn hợp dòng MLL (Mixed-Lineage Leukemia), cái mà làm cho căn bệnh ung thư của bé ác tính hơn và khó điều trị hơn.

Clay đã có một nhóm bác sỹ tuyệt vời chạy chữa cho bé. Các bác sỹ đã nói với chúng tôi rằng chúng tôi sẽ phải chiến đấu với căn bệnh thật và chiến đấu mạnh mẽ, và đây cũng là điều chúng tôi đang làm. Clay sử dụng steroids và làm hoá trị qua cổng truyền hoá chất, qua đường cột sống, qua tuỷ hoặc truyền qua đường miệng. Tất cả những điều này nhằm tiêu hủy căn bệnh ung thư, nhưng chúng rất nặng nề đối với cơ thể bé bỏng của Clay. Hệ miễn dịch của Clay đã thực sự không còn tồn tại. Bác sỹ đã liên tục nhìn vào số lượng bạch cầu trung tính tuyệt đối (ANC) của bé, là loại tế bào bạch cầu có chức năng chống nhiễm khuẩn và chỉ số của Clay là số không tròn trĩnh. Tất cả mọi cơn sốt hay vi rút không chỉ khiến quá trình điều trị bị ngưng trệ lại mà còn nguy hiểm tới tính mạng của Clay.

Chị gái tôi, một tuyên truyền viên về nuôi con sữa mẹ, đã giúp tôi xin sữa của một người mẹ khác cũng là bạn chúng tôi. Trong vòng vài tuần, chỉ số ANC của Clay đã tăng lên từ 0 tới 1800 đơn vị (chỉ số bình thường là từ 1500 tới 8500) và mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn với Clay. Tuy nhiên, tôi bắt đầu lo lắng về mùa cúm và vi rút nên tôi đã thử tiết kiệm nguồn sữa mẹ và cho bé ăn ít sữa hơn. Một tuần sau Clay bị nhiêm 2 loại vi rút và bị viêm thanh khí phế quản cấp tính. Lúc đó là thời điểm tôi nhận ra tầm quan trọng của sữa mẹ đối với Clay. Do vậy tôi đã cho bé ăn thêm một vài ounces mỗi ngày, và như vậy đã thay đổi rất lớn đối với sức khoẻ của Clay. ANC của bé đã lên tới 4300 điều mà gần như chưa từng thấy ở một bệnh nhân hóa trị!
Bây giờ tôi đã có người mẹ tặng sữa cho Clay và tôi rất biết ơn họ! Tôi ước rằng mình có thể quay lại thời gian… tôi sẽ cho bé bú mẹ tới lúc 5 tuổi. Mặc dù tôi vẫn cảm thấy nuối tiếc vì mình đã cai sữa cho con, nhưng cũng vẫn vui vì mình đã duy trì được sữa mẹ cho Clay tới lúc đó. Clay đã được sinh ra với căn bệnh quái ác về nhiễm sắc thể này. Và việc mắc bệnh ung thư của bé là không thể ngăn chặn được. (Bác sỹ nói rằng bé đã có sẵn nguy cơ mắc bệnh bạch cầu). Tuy nhiên tôi vẫn luôn luôn thắc mắc rằng tại sao khối u của Clay lại không xuất hiện cho tới sau khi tôi cai sữa cho bé. Việc chuẩn đoán ra bệnh với Clay có thể đã kéo dài hơn, bởi vì với bệnh MLL thì việc chuẩn đoán cho trẻ dưới 1 tuổi khó nhiều lần trẻ trên 1 tuổi. Do vậy cùng với rất nhiều lời cầu nguyện và sữa mẹ hiến tặng, chúng tôi hi vọng Clay sẽ vượt qua thời gian khó khăn này. Tôi biết rằng chia sẻ này của tôi sẽ là nguồn động viên tích cực tới những người mẹ để nuôi con sữa mẹ hoàn toàn. Có những lợi ích mà bạn không thể nhìn thấy trước được.”

Gia đình Clay và bạn bè rất biết ơn những lời cầu nguyện, sự hào phóng của các mẹ ủng hộ sữa và ý tưởng tuyệt vời của Alayna (và chị gái của chị)! Tô rất vui khi Alayna và gia đình cô đã rất sẵn sàng để chia sẻ câu chuyện đáng ghi nhớ này. Tôi muốn gửi gắm câu chuyện này tới với các bà mẹ khác, những người cũng đang cân nhắc việc sử dụng sữa mẹ kết hợp với điều trị ung thư. Chúng tôi cũng muốn khuyến khích các bà mẹ hãy cho tặng sữa trong khả năng của mình. Có rất nhiều em bé, dù khoẻ mạnh hay bệnh tật, thì đều cần được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ. Có rất nhiều điều chúng ta chưa khám phá ra về sữa mẹ - siêu thực phẩm thiên nhiên hoàn hảo nhất cho em bé.

Chúng ta mới chỉ bắt đầu!




Sunday, November 8, 2015

Chia sẻ thực tế của Bố sữa Nguyễn Hải Quân

Đây là bài chia sẻ kinh nghiệm thực tế sau 3 tháng nuôi con của bố sữa :)

Chia sẻ một vài thực tế nuôi con sữa mẹ dành cho những bố (và mẹ) có con lần đầu

Sau gần 3 tháng trực chiến cùng mẹ sữa BN (vợ của mình), có vài chia sẻ dành cho các bố (và mẹ) có con lần đầu như tụi mình. Hy vọng rằng những bố (mẹ) có con lần đầu sẽ vui vẻ, tự tin cho hành trình sữa mẹ của mình.
Background của tụi mình: vợ chồng con so, trước khi sinh sống riêng nhưng quyết định về sống chung với ông bà nội. Quyết tâm nuôi con sữa mẹ sau khi biết Chuyengiabetibuti, trang web. Ông bà nội ngoại ở ngay gần nhau, có kinh nghiệm nuôi một số cháu của các anh chị, nhưng theo kiểu vừa bú mẹ, vừa bú sữa bò. Đã cố gắng giới thiệu cho các ông bà về 72 giờ vàng, 6 tháng sữa mẹ 100% từ vài tháng trước khi sinh. Hai vợ chồng (và cả nhà) sẵn sàng tâm lý nuôi con sữa mẹ 100% trước ngày sinh. 

Và đây là thực tế đã xảy ra:
THỰC TẾ SỐ 1: QUÊN HẾT BÀI VỞ TRONG NGÀY ĐẦU:
Sau niềm vui đón cậu con trai vừa chào đời, bé được áp dụng ngay da kề da với mẹ (đúng bài ), tuy nhiên chỉ được hơn 15 phút. Vì nhiều lý do (chủ quan và khách quan mà lúc khác mình sẽ chia sẻ) mà mẹ và bé được đưa về phòng sau hơn 3 tiếng đồng hồ mà chưa có cữ bú trực tiếp nào. Mình động viên mẹ cho bé cho bé bú vì nhớ rằng quan trọng nhất là cữ bú trong 1 giờ đầu, sau đó là 6 giờ, 24h…Nói chung là càng bú sớm càng có lợi cho mẹ và bé.

Bà nội và bà ngoại ở bên cạnh cũng rất động viên mẹ sẵn sàng cho bé bú.
Ấy thế nhưng, khi đưa bé ngậm ti mẹ, thấy không có vẻ được suôn sẻ. Bé ngậm đầu ti, nhưng không chắc, không mút được. Mẹ bé thì lóng ngóng khi ôm bé (đương nhiên vì là lần đầu mà), đưa ti ra ti vào mà thấy không được. Làm mãi, mẹ đau, con không ngậm được nhiều. Các bà xung quanh bắt đầu sốt ruột, đề nghị các loại tư thế cách ngậm khác nhau. Sau tiếp, một số cô y tá của bệnh viện Hạnh Phúc cũng đi qua, và bắt đầu nhận xét. Ban đầu là hướng dẫn các loại tư thế. Nhưng vẫn chưa được. Sau đó thì các cô nhận xét: nào là ti mẹ nhỏ, phải đi mua đồ hút. Rồi sờ nắm kéo lung tung cả lên. Mẹ thì đau mà con cũng không bú được.

Vất vả qua ngày đầu, nhưng hai vợ chồng vẫn tự tin vì biết con mình có đủ năng lượng dự trữ trong 3 ngày đầu. Do không nhớ kiến thức gì cả nên ngày hôm sau tụi mình nhờ ông nội mang sách của ChuyenGiaBetiButi vào. Bắt đầu đọc lại và nhớ lại từ từ về KHỚP NGẬM ĐÚNG và TƯ THẾ ĐÚNG. Thế là mới nhớ ra. Và bắt đầu điều chỉnh tư thế ôm con cho đúng. Nào là Tai- Vai – Hông thẳng hàng. Khi đó thì mẹ bé mới ôm chắc được và bắt đầu cho bú.

Tuy nhiên, mặc dù đã có tư thế đúng và khớp ngậm đúng, mẹ bé mỗi lần cho bú vẫn khá đau đầu ti. Mọi người xung quanh (các bà, các chị đã sinh trước) đều nói là bình thường, phải chịu khó đau. Việc này kéo dài gần 10 ngày. Mỗi lần cho bú là một lần cắn nước mắt. Mãi sau, sau khi xem xét đọc đi đọc lại sách về khớp ngậm đúng thì mẹ bé mới điều chỉnh lại một chút để miệng bé ngậm nguyên quầng vú. Lúc đấy mới hết đau. Suy ra là đau vẫn là do khớp ngậm chưa đúng hoàn toàn mà chỉ nhìn giống thôi.

Rồi sau đó, tui mình thấy bé ngủ nhiều trong những ngày đầu. Nhớ là theo sách thì bé sẽ bú khoảng 2-3 tiếng/lần. Thế mà bé lại ngủ dài hơn. Và thế là sự lo lắng xuất hiện. Lo là bé chưa bú đủ. Rồi khi bé bú, thấy có khi bé bú nhiều, có khi bé bú ít (tụi mình canh thời gian những ngày đầu ). Và tiếp tục lo lắng. Mãi sau khi được tư vấn trực tiếp của ChuyenGiaBeTiBuTi về bú theo nhu cầu của bé, tụi mình mới bắt đầu hiểu ra là bú theo nhu cầu của bé, nghĩa là để bé quyết định khi nào muốn bú, và bú trong thời gian bao lâu tùy thích. 

Rồi những vấn đề thuộc sinh lý như cương sữa sinh lý, cách xử lý…Mặc dù trong sách có nói nhưng thú thật là tụi mình không thể nào nhớ được. Và có đọc qua thì cũng không biết là vấn đề mình gặp phải có phải là trong sách nói không.
Đây chỉ là vài điểm căn bản nhất (trong rất nhiều điểm) mà tụi mình không nhớ. Mình nghĩ rằng đây là điều cũng bình thường với các cặp vợ chồng có con lần đầu như tụi mình khi lúng túng trong việc cho con bú. Mặc dù đã đọc đi đọc lại nhiều lần, nhưng rõ ràng là nếu chỉ đọc sách (hay Internet) thôi sẽ không giúp chúng ta có kinh nghiệm được. Và đó chính là thực tế thứ nhất.
Những điểm mấu chốt (theo thứ tự) mà các bạn nên cố gắng học thuộc nếu muốn cho con bú mẹ hoàn toàn.
1. TƯ THẾ ĐÚNG
2. KHỚP NGẬM ĐÚNG
3. BÚ THEO NHU CẦU CỦA BÉ
4. VÀ TỐT NHẤT LÀ CÓ NGƯỜI CÓ KINH NGHIỆM TRONG VIỆC NUÔI CON SỮA MẸ TƯ VẤN NHỮNG NGÀY ĐẦU (CHUYÊN GIA Y TẾ, ÔNG BÀ CÓ KINH NGHIỆM, HAY NHỮNG NGƯỜI BẠN THÂN..)

THỰC TẾ SỐ 2: SỨC ÉP TỪ TẤT CẢ CÁC MẶT TRẬN SỮA CÔNG THỨC LỚN HƠN BẠN NGHĨ RẤT NHIỀU 
Sau gần 3 tháng nuôi con sữa mẹ, mình thấy rằng
1. Rất nhiều chuyên viên y tế cổ vũ cho sử dụng sữa bò bên cạnh sữa mẹ mặc dù ai cũng nói rằng (và quảng cáo trên tivi) sữa mẹ là sữa tốt nhất cho trẻ sơ sinh.

2. Ông bà, các cô chú bác, hàng xóm đều quen đểvới việc nuôi trẻ với sữa mẹ và sữa bò song song vì sợ đói. Luôn tin rằng sữa mẹ không đủ. 

Ngay từ ngày đầu bác sỹ nhi của bệnh viện Hạnh Phúc (và có thể của rất nhiều bệnh viện nhi khác) tư vấn cho tụi mình dùng thêm sữa bò cho bé. Lý do là sợ con bạn đói hay hạ đường huyết hay vì mẹ nó không đủ sữa hay vì một nguyên nhân nào đó. Thực tế khi mình nói chuyện với một số bác sỹ của bệnh viện khác, thì họ thấy việc cho bé sơ sinh bú thêm sữa ngoài cũng là điều bình thường. Ngay bản thân họ khi có con, họ cũng dùng thêm sữa ngoài nữa. Do vậy việc họ tư vấn thêm cho các bạn dùng thêm sữa bò là điều khó tránh khỏi ở các bệnh viện ở thành phố ở thời điểm này.

Nhưng đó chưa là sức ép lớn nhất.
Bà nội, bà ngoại nhà mình đều đã được tụi mình chia sẻ lợi ích của sữa mẹ và quyết tâm. Hai bà trước khi vợ mình sinh thì cũng rất đồng tình là sữa mẹ tốt nhất và cũng quyết tâm đồng hành cùng hai vợ chồng mình (đó là mình thấy qua nói chuyện).

Thế nhưng, sau khi sinh thì các bà cũng đối diện với thực tế số 1 (quên hết bài vở). Không còn nhớ và tin về kiến thức sữa non, cũng chẳng cần biết 72 giờ vàng là gì. Cũng chẳng biết tư thế, khớp ngậm hay bú theo nhu cầu của bé. Đây là thực tế từ các bà:
1. Bà: Sữa mẹ nó chưa về
2. Bà: Sữa mẹ nó không đủ
3. Bà: Con đói

Và yêu cầu phải cho bé bú ngay sữa ngoài thêm. Việc đề nghị này ban đầu thì sẽ nhẹ nhàng, nhưng sau vài lần bị phản đối thì cường độ các lần sau càng cao (khi ý kiến của mình không được nghe thì các bạn biết tâm lý bên trong thế nào). Thực tế này tiếp diễn đỉnh điểm đến ngày thứ 6, khi mà cả gia đình phải cãi nhau vì vấn đề này. Kết luận là tụi mình phải bỏ nhà đi mấy ngày. (Chuyện bỏ nhà đi khá kịch tính)

Sau khi mọi thứ tạm lắng xuống thì ý nghĩ “Em bé lúc nào cũng đói” và “Mẹ nó không đủ sữa” vẫn xuất hiện liên tục. Mặc dù các biểu hiện của bé vẫn rất tốt (ăn, ngủ, đi tiểu, phân theo chuẩn) nhưng các bà vẫn giữ tư tưởng này. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của vợ mình. Cho đến những lúc vợ mình cũng nghi ngờ là không biết mình có đủ sữa không. Có đến vài lần trong những lúc con hơi khó chịu, vợ mình cũng muốn pha một bình sữa ngoài để con dặm thêm (Tất nhiên là bị mình phản đối). May mắn là mọi việc cũng ổn.

Đến nay, sau 3 tháng, chủ đề ít sữa đã tạm ngưng sau khi thấy được kết quả là bé tăng cân/chiều cao ổn định. Nhưng sức ép mà mình thấy trong 2 tháng đầu thật là lớn với vợ mình. Tâm lý của đàn ông và phụ nữ khác nhau nhiều. Đàn ông ít bị ảnh hưởng bởi các bình luận bên ngoài. Nhưng phụ nữ thì trong hành động luôn có cảm súc (và nhiều âu lo), nên nếu không có nhiều động viên bên cạnh thì sẽ dẫn đến những lo lắng và stress lớn hơn.
Và kết luận của mình ở đây là:
1. Việc sử dụng sữa công thức đã trở thành “Bình thường” ở những thành phố lớn
2. Nên bạn sẽ là người “bất thường”
3. Mặc dù vậy, hãy sẵn sàng giúp vợ bạn vượt qua sức ép này trong thời gian dài nhất có thể.
THỰC TẾ SỐ 3: LO LẮNG VÀ STRESS HÀNG NGÀY TỪ NGÀY 1 
Lo lắng có thể là điều bình thường với tất cả các bà mẹ trên thế giới này. Cũng dễ hiểu thôi, sau 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, một thiên thần ra đời. Sau khoảng một thời gian ngắn hạnh phúc của cả gia đình thì người phụ nữ sẽ có rất nhiều câu hỏi.
Ví dụ như:
1. Con mình có khỏe mạnh không
2. Nó có đói không
3. Nó có quen với môi trường xung quanh không
4. Tại sao con khóc ? Mình không hiểu con mình muốn gì cả.
5. Ông bà và những người xung quanh có chăm sóc tốt con như ý của mình không
6. Sau này nên ở nhà hay đi làm
7. Con lớn sẽ đi học ở đâu
8. Dạy dỗ con thế nào
9. Tài chính nuôi con ra sao……
Rồi
10. Không biết khi nào mình mới quay lại vóc dáng xưa
11. Chồng mình còn thương mình không
12. Chồng mình có chung thủy không
13. Sao chồng mình không phụ mình giống Mr XYZ nào đó
….
Và có thể vài chục (hay trăm) câu hỏi ABCD tùy vào hoàn cảnh và gia đình của các bạn.
Có rất nhiều câu hỏi không thể trả lời được vì các bạn biết, đâu có cái gì là hoàn hảo đâu. Trong mỗi cách giải quyết vấn đề, luôn phải chọn lựa những điểm hơn kém, nhưng hầu như không bao giờ có một câu trả lời trong đó mình luôn chọn được những điều mình cho là tốt cả. Mà nếu xem xét một cách kỹ hơn, những điều mình cho là tốt ở một thời điểm, không chắc là tốt thực sự ở một thời điểm khác, hay đứng trên một quan điểm khác.
Nhưng có lẽ là do tâm lý “Đàn Ông Sao Hỏa, Đàn Bà Sao Kim”, những người phụ nữ luôn đặt rất nhiều câu hỏi. Và câu hỏi có thể chồng chất câu hỏi. Và thêm một số hormone trong cơ thể sau khi sinh, tùy mức độ nặng nhẹ khác nhau mà vợ bạn sẽ bị căng thẳng vào một lúc nào đó, hay nặng hơn sẽ bị stress, rồi nặng hơn nữa có thể bị trầm cảm…

Vậy nên thế nào nhỉ? 
Trong những hoàn cảnh như vậy, điều quan trọng đầu tiên có lẽ là những ông bố tương lai như mình cần phải HIỂU được tâm lý của vợ mình. HIỂU là những vấn đề trên là tự nhiên. HIỂU rằng người phụ nữ rất lo lắng cho con của mình. HIỂU rằng vợ mình không chỉ đang mệt mỏi ở trong thể xác mà cả trong tâm hồn nữa.
Khi HIỂU và THÔNG CẢM rồi, mình nghĩ các bạn sẽ tự tìm ra cho mình những cách thức khác nhau để xoa dịu vợ mình những lúc vợ căng thẳng, động viên vợ những lúc vợ cảm thấy bế tắc, hay chỉ ngồi và lắng nghe vợ mình chia sẻ như một người tri kỷ. Bạn cũng có thể tìm những cách khác nhau nào đó mang cho vợ những niềm vui nho nhỏ, mà qua đó vợ bạn sẽ tự tin để tiếp tục hành trình nuôi con bằng bầu sữa của mình.
Khi có người chồng bên cạnh động viên và cùng đồng hành với mình, mình tin rằng những khó khăn hay những lo lắng của vợ sẽ giảm đi rất nhiều. Và rồi cũng sẽ đến lúc là vợ bạn sẽ vui vẻ và vững tin trở lại.

THỰC TẾ SỐ 4: NUÔI CON SỮA MẸ CŨNG SẼ RẤT CỰC ĐẤY 
Nếu bạn đọc sách và nghiên cứu tài liệu của ChuyenGiaBeTibuTi thì bạn sẽ luôn tự nhủ là bạn và vợ bạn sẽ quyết tâm 100% nuôi sữa mẹ bằng bất cứ giá nào vì những lợi ích vô cùng quý giá mà sữa mẹ mang lại
Vợ chồng bạn có thể sẽ nghe là “Nuôi con sữa mẹ nhàn lắm”. Mẹ ngủ con ngủ. Con đòi bú thì mẹ dậy rồi ngủ lại. Không phải mất công dùng các dụng cụ hâm sữa, pha sữa lỉnh kỉnh. Cũng lại kinh tế vì không phải đầu tư mua sữa bò.
Thế nhưng:
• Chỉ cần vài đêm mất ngủ vì vợ bạn có thể thuộc típ người khó ngủ, hay lo, hoặc mất thời gian cho việc thay tã cho con vào ban đêm
• Chỉ cần con quấy khóc nhiều mà dỗ không được mà nhiều khi không rõ lý do chắc chắn
• Chỉ cần nghe vài câu bình luận từ xung quanh ví dụ như vợ bạn không đủ sữa
• Rồi các so sánh ABC về cân nặng, sữa, hay các chủ đề tương tự
• Và thực tế chỉ cần vài lần như vậy thôi………….
Như thực tế số 3 phía trên, cùng với vô vàn câu hỏi không có lời giải đáp, vợ bạn có thể rất căng thẳng. Và có thể muốn từ bỏ tất cả để cho dùng một biện pháp mà trước đây vợ bạn chưa bao giờ nghĩ đến: cho con bú sữa bò thêm.

Tại sao nhỉ ? Ah, vì sữa bò có chứa chất gây ngủ dài hơn. Rồi niềm tin là sữa bò sẽ giúp con bạn đủ chất hơn. Và quan trọng là vợ chồng bạn làm giống những người xung quanh. Vì cực quá, rồi mệt nữa.
Thú thực là trước khi sinh con, tụi mình mới chỉ nghe qua từ các anh chị trong gia đình cũng như bạn bè là sẽ cực trong những thời gian đầu. Và thực tế xảy ra cũng đúng như vậy. Nhưng ngoài những vấn đề như những cơn mất ngủ triền miên, có thể vợ bạn lại có thêm những cơn đau trong cơ thể (ví dụ đau lưng, hay đi lại, ngồi khó khan trong thời gian dài). Cơ thể mệt mỏi cũng ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần. Các bạn thử nhớ lại những lúc mình bị ốm (ví dụ đơn giản như cảm cúm) thì trong người rất khó chịu. Và cả tinh thần nữa, không thể thoải mái và vui vẻ được.

Thế nên, việc có người ở bên cạnh để trợ giúp rất quan trong trong hành trình sữa mẹ của gia đình bạn. Có thể là bà ngoại, hay bà nội, hay chị em trong gia đình. Có thể là người bạn thân của vợ. Nhất là khi trong những ngày đầu đôi khi mà một vài điểm mà các bạn sẽ lúng túng về mặt kỹ thuật hay kiến thức nuôi con sữa mẹ. Rồi sau những ngày đầu đó, mình thấy rằng có người trợ giúp là quan trọng. Người trợ giúp này sẽ làm gì ?
Đó là thay tã cho con. Đó là chuẩn bị nước tắm cho con. Đó là mang quần áo mới ra thay cho con. Hay là lấy nước, hay là chuẩn bị đồ ăn sáng, hay là đi mua đồ gì đó cho con. Rồi bế con giùm vợ bạn, chơi với con…
Nhưng dù gia đình bạn có người trợ giúp thêm hay không có thì bạn vẫn chính là người trợ giúp đắc lực nhất. Tất nhiên là bạn vẫn đi làm việc ở cơ quan của mình, nhưng những thời gian buổi sáng hay buổi tối sau khi đi làm về (và có thể bạn sẽ mệt) thì bạn cũng hãy cố gắng. Vì nói gì đi nữa, những mệt mỏi của người đàn ông cũng chỉ là một phần so với những mệt mỏi của vợ bạn.

Sự động viên, thông cảm không chỉ đến từ lời nói. Điều đó đến từ những hành động của các bạn nữa. Vợ các bạn sẽ cảm động về điều đó. Hay ngay cả khi vợ các bạn không thể hiện ra (vì hiện nay tất cả sự tập trung đang về con của bạn), thì bạn hãy biết rằng sau này khi lớn lên, con của các bạn sẽ nhìn vào hành động của bạn và học tập. Chắc chắn rằng con các bạn sẽ biết và học được ngay từ nhỏ rằng, bên cạnh công việc bên ngoài xã hội, việc chăm sóc và dành thời gian cho gia đình cũng là điều đáng quý. Việc xây dựng mối quan hệ bắt đầu từ những hành động nhỏ trong gia đình. Và chắc chắn rằng bạn sẽ thấy hạnh phúc khi nhìn con lớn từng ngày, bên cạnh bầu sữa mẹ, đó chính là sự chia sẻ yêu thương của cha mẹ mình.

TỔNG HỢP:
Bài học tự rút (hy vọng đóng góp thêm kinh nghiệm dành cho những ông bố (và bà mẹ) có con lần đầu)
Mình tổng hợp trong bài này vài thực tế mà tụi mình trải qua. Những thực tế này mình nghĩ rằng cũng sẽ rất nhiều cặp vợ chồng có con lần đầu sẽ thường phải gặp. Nên hy vọng với những chia sẻ này các bạn tự tin, vượt qua được những bỡ ngỡ buổi ban đầu trong hành trình sữa mẹ của mình. Mong các bạn cố gắng để giúp con có những kết quả tốt nhất về sức khỏe, và sau đó là tinh thần.


Vài điểm mà mình tổng kết dành cho những ông bố có con lần đầu:
1. Hãy là chỗ dựa tin cậy nhất cho mẹ bé và cả gia đình ngay từ khi mẹ bé đang trong quá trình mang thai
2. Hãy làm quen với người có kinh nghiệm nuôi con sữa mẹ. Tốt nhất là biết được ai đó tư vấn trực tiếp, trợ giúp 24/24 trong vài ngày đầu sau sinh (nhân viên y tế, gia đình hay bạn bè).
3. Bình tĩnh, thông cảm và chia sẻ với vợ những khó khăn lo lắng
4. Chia sẻ, truyền thông với các thành viên trong gia đình về những kiến thức nuôi con sữa mẹ
5. Tiếp tục cập nhật kiến thức từ các chuyên viên y tế có tâm, từ những nguồn thông tin chính thức và có kiểm chứng, từ người có kinh nghiệm (ie Trang Betibuti hay những nguồn tin cậy khác)
6. Luôn chuẩn bị sức khỏe tinh thần, thể chất và cả vật chất cho gia đình nhỏ của mình.
Chúc các bạn thành công và hạnh phúc.