Thursday, October 10, 2013

Sữa mẹ và Guilt




Tác giả: Jack Newman, MR, FRCPC
Dịch: Minh Nga Nguyễn

Một trong những lí do mạnh mẽ nhất được nhiều chuyên gia y tế, các tổ chức chính phủ và các hãng sữa đưa ra khi không khuyến khích và hỗ trợ NCBSM là vì “chúng ta không nên làm cho người mẹ cảm thấy có lỗi vì không cho con bú”. Kể cả những chiến dịch quảng bá cho sữa mẹ cũng bị vùi dập vì cái lí do “không làm cho người mẹ cảm thấy có lỗi” này.

Thực tế thì đây chỉ là một thủ đoạn tinh vi. Nó là một cuộc tranh luận nhằm đánh lạc hướng mọi người khỏi sự thiếu hiểu biết về sữa mẹ của quá nhiều nhân viên y tế. Điều này giúp cho họ không cảm thấy có lỗi khi thờ ơ với việc giúp các mẹ vượt qua các khó khăn khi cho con bú, mà những khó khăn này không phải là không thể vượt qua được và nó có thể được ngăn chặn từ sớm nếu người mẹ không bị đánh giá thấp về khả năng cho con bú của mình. Cái biện hộ này cũng tạo cơ hội cho các hãng sữa và nhân viên y tế phân phát tài liệu quảng cáo về các hãng sữa và thậm chí mẫu dùng thử tới tay những mẹ đang mang thai và mới sinh con, đạt được mục đích là những tài liệu và sản phẩm dùng thử này làm giảm tỉ lệ và thời gian NCBSM.

Hãy cùng nhìn vào đời thực. Nếu một mẹ mang thai đi khám bác sĩ và nói rằng mẹ ấy hút 1 bao thuốc lá, thì có phải là khả năng lớn là mẹ ấy sẽ ra về cảm thấy rất tội lỗi vì đang gây hại cho con mình? Nếu mẹ ấy nói rằng mình đôi khi có uống vài cốc bia, thì khả năng lớn là mẹ ấy sẽ ra về cảm thấy rất tội lỗi đúng không? Nếu người mẹ ấy nói rằng mình nằm ngủ chung giường với em bé, các bác sĩ ở Mỹ sẽ làm cho mẹ ấy cảm thấy có lỗi, mặc dù, điều này là điều tốt nhất cho mẹ và con. Nếu người mẹ đến phòng khám và nói với bác sĩ rằng mẹ ấy đang cho em bé 1 tuần tuổi của mình uống sữa tươi, thì bác sĩ sẽ phản ứng như thế nào? Tất cả các bác sĩ đều sẽ hoảng hốt và giận dữ. Và họ sẽ dễ dàng làm cho người mẹ ấy cảm thấy có lỗi khi đã cho con mình uống sữa tươi, và sau đó sẽ tạo áp lực để mẹ ấy cho con dùng sữa công thức. (Không ép mẹ ấy cho con bú, phải nhấn mạnh lại điều đó, bởi vì “chúng ta không nên làm cho người mẹ cảm thấy có lỗi vì không cho con bú”).

Vì sao sữa công thức lại được ưu ái vậy? Lí do dĩ nhiên là vì các hãng sữa đã quá thành công trong việc quảng cáo để thuyết phục cả thế giới rằng sữa công thức cũng tốt như sữa mẹ, và vì vậy mà chúng ta không nên làm căng lên với những mẹ không cho con bú. Trích lời Phó tổng giám đốc tập đoàn Nestle tại Toronto, ông nói “Dĩ nhiên là quảng cáo rất có hiệu lực.” Nó cũng là niềm an ủi cho lương tâm của nhiều bác sĩ mà họ cũng không cho con bú, hoặc là vợ của họ không cho con bú. “Tôi sẽ không làm cho một người mẹ cảm thấy có lỗi khi không cho con bú, bởi vì tôi không muốn bản thân mình cảm thấy có lỗi vì con tôi không được bú mẹ.”

Hãy nhìn vấn đề này một cách kĩ càng hơn. Sữa công thức về mặt lý thuyết thì phù hợp với em bé hơn là sữa tươi. Nhưng, thực tế, không có nghiên cứu nào chỉ ra được rằng có sự khác biệt giữa những em bé ăn sữa bò tươi và những em bé ăn sữa công thức. Hoàn toàn không có. Sữa mẹ, và việc cho con bú, và các hình thức ăn sữa mẹ đều có nhiều lợi ích hơn so với sữa công thức, nhiều hơn là sữa công thức so với sữa tươi. Và chúng ta chỉ mới bắt đầu biết đến những lợi ích này. Và hàng ngày thì có nhiều nghiên cứu để cung cấp cho chúng ta thêm nhiều lợi ích. Có một số lượng nhiều các data chỉ ra rằng, trên một diện rộng các xã hội khác nhau, thì trẻ bú sữa mẹ và mẹ của chúng đều được hưởng những điều tốt hơn là trẻ ăn sữa ct. Các em bé ít bị viêm tai giữa hơn, ít bệnh đường ruột hơn, và ít khả năng mắc bệnh béo phì khi lớn lên và các bệnh khác. Người mẹ thì có ít khả năng bị ung thư vú và ung thư buồng trứng, và có thể là còn được bảo vệ khỏi chứng loãng xương. Và đấy mới chỉ là một vài ví dụ.

Vậy thì làm thế nào để chúng ta ủng hộ NCBSM? Tất cả phụ nữ có thai và gia đình của họ đều cần biết về những rủi ro khi nuôi con bằng sữa ngoài. Tất cả đều phải được khuyến khích cho con bú, và tất cả đều phải được nhận những sự trợ giúp tốt nhất để bắt đầu cho em bé bú ngay sau khi sinh. Bởi vì tất cả những ý định tốt, chỉ nói mồm không, sẽ không giúp được người mẹ có đầu vú bị rát do con ngậm vú chưa đúng cách. Hoặc người mẹ bị nói, và điều này rất không thích hợp, rằng mẹ ấy nên từ bỏ việc cho con bú vì một bệnh lý nào đó ở mẹ hoặc ở em bé. Hoặc người mẹ chưa tạo được sản lượng sữa đủ cho con bởi vì mẹ ấy được phổ biến những kiến thức sai lệch. Xin hãy lưu ý rằng những lời khuyên từ các bác sĩ là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự thất bại trong việc cho con bú. Không phải là nguyên nhân duy nhất, các yếu tố khác cũng quan trọng, nhưng các nhân viên y tế thường có ảnh hưởng và sức thuyết phục quá lớn so với trình độ hiểu biết và kinh nghiệm của họ.

Nếu người mẹ được tiếp xúc với thông tin về những tác hại của việc nuôi con bằng sữa công thức và quyết định nuôi con bằng sữa công thức, thì người mẹ đó đã suy nghĩ cặn kẽ để đưa ra quyết định rồi. Những thông tin này không phải đi ra từ những hãng sữa. Các tờ rơi của họ bao gồm những thông tin về lợi ích của NCBSM nhưng rồi lại tiếp tục nhấn mạnh rằng sữa công thức của họ cũng tốt như sữa mẹ. Nếu một người mẹ có những sự trợ giúp tốt nhất về việc NCBSM, và quyết định rằng NCBSM không phù hợp với họ, thì tôi sẽ không cảm thấy buồn cho họ. Bạn nên hiểu rằng việc thay đổi từ NCBSM sang bú bình rất dễ. Nhất là trong những tuần đầu tiên. Nhưng đổi ngược lại từ bình sang bú mẹ thì ngược lại. Thường là rất khó hoặc không thể thực hiện được, ít người có thể thành công.

Cuối cùng thì ai cảm thấy buồn vì NCBSM? Không phải người mẹ mà quyết định nuôi con bằng sữa công thức khi đã hiểu toàn diện vấn đề. Đó chính là người mẹ mà muốn cho con bú, đã cố gắng, nhưng không thành công thì sẽ cảm thấy day dứt. Để tránh cho người mẹ không thấy day dứt vì không NCBSM được thì việc cần làm không phải là tránh quảng bá NCBSM, mà là quảng bá NCBSM đi đôi với những lời khuyên và hỗ trợ có ích. Điều này không xảy ra ở hầu hết các nước Bắc Mỹ và Châu Âu (và dĩ nhiên là càng không có ở Việt Nam).