Friday, September 18, 2015

Dr.Jack Newman - Những lý do khiến mẹ bị thiếu sữa cho con - Phần 1


Trong cuốn sách của mình, Bác sĩ Jack Newman đưa ra những lý do khiến cho mẹ bị giảm sữa thứ phát, tức là khi người mẹ đó đã có vài tháng nuôi con sữa mẹ rất suôn sẻ, nhưng đột nhiên bị giảm sữa do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có nhiều tác động trong xã hội của chúng ta khiến cho người mẹ không cảm thấy tự tin vào việc nuôi con sữa mẹ nữa. Có quá nhiều thông tin trái chiều, những lời khuyên mập mờ, những thông tin từ hãng sữa với mục đích khiến cho người mẹ cảm thấy mất tự tin vào bản năng nuôi con của mình. Tôi xin phép trích dịch một đoạn ngắn trong chương này, các đoạn khác sẽ dần dần được dịch sau.
Phần in đậm là nguyên nhân khiến người mẹ bị giảm sữa.

Em bé ăn bình thường xuyên hơn. Tốt nhất là nên tránh xa cái bình sữa hoàn toàn. Các hãng sữa đưa ra thông tin rằng các bà mẹ nên chia sẻ trách nhiệm nuôi con với chồng bằng việc để chồng giúp cho con ăn vào buổi tối, để mẹ có thể nghỉ ngơi và bố có thể gắn bó với con hơn. Dĩ nhiên là các hãng sữa biết họ có mục đích gì khi đưa ra những lời khuyên này, một bình vào mỗi tối sẽ dần dần tăng lên thành 2 bình, 3 bình, và rồi một ngày không xa người mẹ thấy lượng sữa mình hút ra bị giảm và mẹ phải bổ sung thêm sữa bột. Một số bà mẹ có lượng sữa dồi dào, và họ có thể sản xuất đủ sữa cho dù có chen thêm 1 bình sữa vào cữ ăn của con, nhưng đa số những bà mẹ khác không như vậy. Và cũng đừng mang theo bình sữa khi bạn đưa con đi chơi, nên cho bé bú trực tiếp dù bạn đang ở đâu. Tại Canada, luật pháp luôn luôn đứng về phía người mẹ cho con bú khi người mẹ đó bị yêu cầu phải che đậy hay đi vào nhà vệ sinh, hoặc bị từ chối dịch vụ ở quán ăn hay cửa hàng. Tại Mỹ, nhiều bang đã ban hành luật nói rằng em bé có quyền được bú mẹ mọi lúc mọi nơi và người mẹ cho con bú không hề phạm pháp.
Tôi cũng thường khuyên các mẹ nên nghỉ thai sản càng lâu càng tốt. Ở Mỹ, thời gian nghỉ thai sản rất ngắn, và đó thực sự là một điều không tưởng khi người mẹ phải rời xa đứa con 6 tuần tuổi của mình để quay lại làm, hoặc thậm chí là sớm hơn bởi vì họ không thể nghỉ không lương. Điều này phá hỏng việc nuôi con sữa mẹ, là một điều thật kinh khủng. Bất cứ chế độ nghỉ thai sản nào ngắn hơn 6 tháng, theo ý kiến của cá nhân tôi, là điều không tốt chút nào. Nhưng nếu người mẹ có ít nhất 6 tháng thai sản, thì cô ấy sẽ không bao giờ cần phải sử dụng sữa bột hay bình sữa. Độc giả có thể đọc thêm ở chương “Nuôi con sữa mẹ khi mẹ và con bị tách nhau”.

Bố mẹ tìm cách giãn cữ ăn của con hoặc luyện cho con ngủ xuyên đêm. Khi em bé được 3, 4 tháng, tất cả mọi người đều khuyên rằng em bé cần được ăn 2-3 tiếng/lần và bé phải bắt đầu ngủ xuyên đêm. Một “chuyên gia” nói rằng tất cả nhân viên y tế đều đồng tình rằng cho con bú theo nhu cầu là một điều “nguy hiểm”. (Thật vậy sao? Vậy thì còn 1 người không đồng tình, là tôi). “Chuyên gia” đó nói rằng người mẹ phải rèn luyện con vào chế độ ăn 3 tiếng/cữ ngay từ trong bệnh viện, và nếu bé cần bú sớm hơn thì sữa trong ngực mẹ “chưa chín”. (Tôi không thể hiểu nổi khái niệm này)
Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho người mẹ bị giảm sữa, kể cả khi người mẹ đó đang cho con bú theo nhu cầu của con thì cũng bị hoang mang khi bắt gặp những thông tin tồi tệ này. Mẹ cho con bú, và khoảng 1h đồng hồ sau con có nhu cầu bú tiếp. Người mẹ ngộ nhận rằng (bị ám ảnh bởi những lời khuyên về việc cho con bú theo cữ 3-4 giờ) làm sao mà con có thể đói được. Người mẹ bế bé lên, nựng bé, ru bé đung đưa, cho bé đi dạo, làm bất cứ điều gì để khiến bé quên đi việc đòi ăn. Và bởi vì bé chưa quá đói, bé sẽ bỏ qua việc đòi ăn. Người mẹ có thể nhét ti giả vào mồm bé, hoặc bé mút tay và bé sẽ thôi càu nhàu. Nửa tiếng sau, em bé lại bắt đầu tỏ ý muốn ăn, và mẹ lại tìm cách để đánh lạc hướng. Cuối cùng thì, sau 3 tiếng đồng hồ hoặc sau quãng thời gian nào đó mẹ nghĩ là hợp lý, em bé được ăn.
Hậu quả của việc này là sự giảm sữa dần dần. Các em bé cần được cho bú khi bé có nhu cầu bú. Phụ nữ đã cho con bú từ thời nguyên thuỷ và họ cho bú theo nhu cầu của con, không có đồng hồ để xem giờ. Thực tế là, những cữ bú ngắn là điều hoàn toàn bình thường với một bé bú mẹ trực tiếp.
Thế còn đối với người mẹ nguỵ biện rằng cho con bú chiếm quá nhiều thời gian và cô ấy chẳng làm được việc gì khác?
Chúng ta có thể điều chỉnh để việc cho con bú được “tiết kiệm thời gian” hơn. Nhưng mà những người mẹ trên toàn thế giới đã và đang cho con bú theo nhu cầu của con đều làm được trong khi họ đang lao động cực nhọc. Điều giúp họ chính là những cái địu, dù là địu truyền thống hay hiện đại thì nó giúp ích rất nhiều. Người mẹ có thể vừa cho con bú vừa đi lại, khi đang đọc sách cho bé lớn, khi đang làm việc trên máy tính. Còn đối với việc ngủ qua đêm của bé 4 tháng tuổi ư? Tôi muốn chia sẻ với bạn một bí mật: có rất rất nhiều em bé ăn sữa bột không ngủ xuyên đêm khi 4 tháng tuổi. Chỉ là chúng ta không nghe kể nhiều về những bé này. Bên cạnh đó, có nhiều em bé bú mẹ hoàn toàn và ngủ được xuyên đêm ở 4 tháng tuổi. Nhưng việc bé dậy liên tục trong đêm là hoàn toàn bình thường. Nếu bạn giữ con ở khoảng cách gần với mình thì mọi người đều sẽ được ngủ nhiều hơn.

Giữ bé gần với mẹ ư?
Tất cả các loài động vật, từ những loài đơn sơ nhất cho tới những loài tiến hoá nhất, đều mang theo con mình phần lớn thời gian trong ngày. Chúng ngủ với con. Chúng cho con bú, và sẽ dễ dàng hơn, tiện lợi hơn, tỉ lệ thành công cao hơn nếu như con con được ở liền kề với mẹ. Cuộc mang thai càng kéo dài, não bộ càng to, em bé càng cần nhiều sự trợ giúp bên ngoài, nghĩa là thời gian bú và phụ thuộc vào mẹ càng lâu. Việc nuôi dưỡng này đã có từ thủa sơ khai của động vật có vú trên trái đất. Và đó là điều được tiếp diễn qua hàng triệu năm cho tới ngày nay.
Vậy chuyện gì đã xảy ra vậy? Vào cuối thế kỉ 19, loài người trở nên mê đắm khoa học, điều mà chúng ta nghĩ rằng đang giúp cho cuộc sống dễ dàng hơn. Ngày hôm nay chúng ta vẫn đang rất yêu khoa học, mặc dù biết rằng nhiều khi nó có tác dụng ngược lại. Trong thời kì này, con người áp dụng khoa học kĩ thuật không chỉ vào giặt giũ quần áo hay di chuyển bằng xe ô tô và máy bay, mà họ còn áp dụng vào nuôi dưỡng trẻ nhỏ nữa.
Khoa học thấy rằng việc cho con bú trực tiếp có một vấn đề. Theo lời của Lord Kelvin, một trong những nhà khoa học lỗi lạc nhất của thế kỉ 19: “Nếu như bạn có thể đong đếm những gì bạn nói, và thể hiện nó bằng những con số, thì nó có nghĩa là bạn thực sự hiểu về điều bạn đang nói. Nhưng nếu bạn không thể đong đếm được thì kiến thức của bạn quá nghèo nàn”. Làm sao mà người mẹ có thể đong đếm được lượng sữa em bé bú được? Vậy là cái bình sữa được trở thành phương thức “khoa học” hơn vì bạn có thể đo được bằng những con số.  Và làm sao có thể đánh giá sự nuôi dưỡng một đứa trẻ nếu em bé cứ được mẹ bế suốt ngày? Thật khó để quan sát nếu bé di chuyển liên tục theo mẹ. Kết quả là những đứa trẻ được đặt vào những chiếc lồng kính để có thể được quan sát kĩ càng. Phương pháp này thay đổi hoàn toàn chuẩn mực về nuôi dưỡng trẻ sơ sinh. Nói theo cách khác, những đứa trẻ bú bình và ngủ cũi trở thành điều bình thường và những gì khác biệt với điều “bình thường” này được cho là không tốt cho đứa trẻ. Không tốn nhiều thời gian để đưa ra kết luận cho những phương pháp thí điểm này, và cho dù nó có bất thường đi chăng nữa, thì các bác sĩ nhi khoa và các “chuyên gia” vẫn tiếp tục khuyên người mẹ làm theo như vậy.
Vào những năm 1930s, những người mẹ được khuyến cáo một cách nghiêm khắc rằng không được bế em bé lên trừ một số giờ nhất định. Khi bé khóc, mẹ cũng khóc theo, bởi vì theo những lời dặn dò của các “chuyên gia” thì bế em bé lên là điều cấm kị. Bởi vì điều đó sẽ làm hư đứa trẻ. Một bác sĩ nhi khoa người Canada thậm chí còn viết ra rằng việc cưng nựng một em bé 2 tuần tuổi đang khóc là những bước tiến đầu tiên dẫn tới tội phạm vị thành niên.
Từ đó tới nay chúng ta đã học được rất nhiều điều, nhưng cái suy nghĩ vẩn vơ về việc “làm hư con” vẫn chưa thực sự biến mất. Vào những năm 1960s em bé sinh non được nuôi trong những chiếc hộp, vâng, lồng kính. Bố mẹ không được phép bế con và thậm chí còn không được chạm vào con trừ khi họ mặc quần áo bảo hộ y tế, đeo khẩu trang, đội mũ và đeo găng tay như thể họ là những bác sĩ phẫu thuật chuẩn bị mổ. Trong vòng 20, 30 năm vừa qua chúng ta lại học được rằng đấy không phải là điều tốt cho các bé sinh non, và phương pháp ấp da tiếp da Kangaroo Care mới là điều tốt nhất để giúp các bé ổn định và phát triển. Nhưng, mặc dù có rất nhiều kết quả nghiên cứu chứng minh điều này, thì vẫn còn vô vàn bệnh viện cách ly em bé sinh non ra khỏi mẹ.
Quan điểm trên có thể được áp dụng với việc địu con/ bế con. 40 năm về trước, có một nghiên cứu về sự ảnh hưởng của chuyển động đối với sự phát triển ở khỉ. Những con khỉ con được nuôi dưỡng trong chuồng, và “mẹ” chúng là một món đồ vật (họ dùng một cái chai rỗng), và đồ vật này có lúc thì đứng im, có lúc thì đung đưa trên một sợi dây. Những chú khỉ con thường ôm chặt lấy cái chai cho dù cái chai đang chuyển động hay đứng yên. Những chú khỉ được nuôi trong chuồng này bị mắc chứng trầm cảm, gặp khó khăn khi tiếp xúc với những con khỉ khác, không thích bị đụng chạm, và có hành vi đung đưa cơ thể thường gặp ở những đứa trẻ thiếu sự ôm ấp vỗ về. Những hành vi bất thường khác bao gồm tự làm đau mình và nhu cầu tự dỗ dành bản thân ví dụ như mút ngón chân một cách thái quá. (Các mẹ nhớ tới phản xạ gốc trong bụng mẹ con mút ngón tay, ra ngoài đời có nhu cầu mút để cảm thấy bình yên_người dịch) Khi những con khỉ đạt độ tuổi trưởng thành, chúng thường có nhiều hành vi bạo lực.
Một điều thú vị là trong những năm gần đây, việc để cho bé tự dỗ dành bản thân (tự chơi tự ngủ) trở thành một phong trào rầm rộ mặc dù ở các loài động vật có vú khác nó được coi là hành vi bất bình thường. Họ nói rằng việc bé có khả năng tự dỗ mình là rất tốt. Điều này được áp đặt vào nuôi con sữa mẹ: “Đừng cho con ti để ngủ”, các chuyên gia khuyến cáo, “hãy để cho bé tự ngủ.” Nhưng mà lý do vì sao vậy? Bởi vì khi một đứa trẻ không bú để ngủ, nghĩa là đứa trẻ đó không còn có nhu cầu với bố mẹ nữa, đặc biệt là người mẹ. Suy nghĩ cho cùng thì những em bé mà bú mẹ để ngủ sẽ tiếp tục đòi bú mẹ để ngủ trở lại và đó trở thành một điều bất tiện. (Bất tiện cho ai?)
Sự thật là những đứa trẻ luôn luôn là điều bất tiện. Nhưng những ý tưởng hiện đại này thật là “hại điện” và chúng ta cần cân nhắc lại. Bởi vì nếu xét về mặt lâu dài, con sẽ ngủ dễ hơn khi được ti mẹ, những em bé rất thích điều này và nhiều mẹ cũng thích vậy nhưng lại tỏ vẻ không thích. Mục đích là để khiến bé trở nên “tự lập” bằng cách ép bé phải tự lập, đó có phải điều tốt hay không? Tự lập ép buộc không phải là tự lập thực sự, nhưng sự tự lập xuất phát từ sự an toàn, tự tin rằng mình được che chở mới là điều tốt.
Phương pháp ép bé “tự dỗ bản thân” được áp dụng vào việc địu con/bế con. “Nếu bạn cứ tiếp tục địu/bế con, bé sẽ không thể tự ngủ được. Bé sẽ không ngủ được nếu thiếu mẹ. Bé sẽ không tự lập được.” Tôi cho rằng những điều này thật vô nghĩa. Các em bé được sinh ra để được bế và nên được bế. Khi các em bé lớn lên, chúng sẽ không thích được bế nhiều như vậy nữa. Và tới một ngày nào đó chúng sẽ chỉ đòi bế khi mệt. Ngày đó sẽ đến nhanh hơn bạn tưởng đấy. Và rồi bạn sẽ ngồi đó và tiếc nuối những tháng ngày con còn bé bỏng được mẹ ẵm bồng trên tay.


Sunday, September 13, 2015

Sữa mẹ chứa chất chống ung thư


(Link tiếng Anh: http://www.sciencedaily.com/releases/2010/04/100419132403.htm)

Một chất được tìm thấy trong sữa mẹ có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư, đây là kết quả của một vài nghiên cứu được thực hiện tại trường đại học Lund University và đại học Gothenburg ở Thuỵ Điển.

Loại chất đặc biệt này được đặt tên là HAMLET (Human Alpha-lactabumin Made Lethal to Tumour cells), thực tế đã được tìm thấy vào nhiều năm trước, nhưng chỉ đến bây giờ các nhà khoa học mới thí nghiệm trên người. Những bệnh nhân bị ung thư bàng quang khi được điều trị bằng chất này sẽ đào thải tế bào ung thư chết qua đường nước tiểu sau mỗi lần trị liệu, điều này đưa ra nhiều hi vọng rằng chất này sẽ được bào chế thành thuốc chữa trị ung thư trong tương lai.


Được khám phá tình cờ 


HAMLET được phát hiện rất tình cờ khi các nhà khoa học nghiên cứu về các tính kháng khuẩn trong sữa mẹ. Những nghiên cứu sâu hơn chỉ ra rằng HAMLET bao gồm loại protein và loại chất béo có sẵn trong sữa mẹ. Tuy nhiên, họ chưa chứng minh được rằng HAMLET tồn tại trong sữa mẹ. Thay vào đó, HAMLET được hình thành trong môi trường acid của dạ dày của trẻ. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chỉ ra rằng HAMLET có thể tiêu diệt 40 loại ung thư khác nhau, và giờ các nhà nghiên cứu đang tiếp tục nghiên cứu về tác dụng của nó đối với ung thư da, các khối u ác tính trong niêm mạc và u não. Một điều rất quan trọng cần ghi nhớ là HAMLET chỉ tiêu diệt các tế bào ung thư mà không gây ảnh hưởng gì tới các tế bào khoẻ mạnh.


Tiếp tục nghiên cứu về HAMLET

Những nhà nghiên cứu ở trường đại học Gothenburg đang tập trung vào việc làm thế nào HAMLET len lỏi vào các tế bào ung thư. Những nhà nghiên cứu như Roger Karlsson, Maja Puchades và Ingela Lanekoff đang cố gắng tìm hiểu về cơ thế hoạt động của chất này lên màng tế bào, và nghiên cứu của họ đã được xuất bản trong tạp chí PloS One.