Tuesday, June 23, 2015

Khi mang thai – hãy trang bị kiến thức


(Ảnh: Stock photo)

Note: Bài dịch từ Emma Pickett IBCLC, nhưng có thêm thắt một chút nội dung để phù hợp với các mẹ Việt Nam nhé., nội dung thêm vào được viết in nghiêng.  Các bạn có thể đọc link gốc http://www.emmapickettbreastfeedingsupport.com/twitter-and-blog/when-youre-pregnant-there-are-more-useful-things-to-do-than-flipping-through-a-catalogue

Tôi thường được các mẹ mang thai và gia đình của họ hỏi rằng phải chuẩn bị những gì để có thể nuôi con sữa mẹ?

Khi bạn mang thai, cần phải thêm vào danh sách cần mua những thứ gì để bạn có thể có sự chuẩn bị kĩ lưỡng nhất cho hành trang tiếp theo?

Rất nhiều người mong muốn nuôi con sữa mẹ và quyết tâm thực hiện điều đó, nhưng cái để họ cam kết với việc nuôi con sữa mẹ lại là mua một cái máy hút sữa thật xịn, một cơ số bình sữa và máy tiệt trùng.

Hãy dừng lại một chút và suy ngẫm đã nhé.

Những vật dụng kia đều thật có ích và đặc biệt cần thiết nếu như bạn dự kiến sẽ tiếp tục duy trì sữa mẹ cho con khi đi làm trở lại – nhưng trước tiên thì có những việc quan trọng hơn cần phải đặt lên hàng đầu.

Nếu như có điều rắc rối gì đó xảy ra, máy hút sữa có thể là cứu cánh cho bạn và chỉ cần một cú điện thoại thôi, một chiếc máy hút sữa sẽ được các cửa hàng giao cho bạn tới tận nhà với nhân viên tư vấn tận tình. Bạn có thể tự trang bị cho mình số điện thoại của 1 shop bán máy hút sữa nào đó mà có nhân viên tư vấn, coi như là 1 bước chuẩn bị kĩ lưỡng rồi nhé.

Nhưng điều quan trọng nhất cần làm khi mang thai đó là trang bị cho bản thân kiến thức đầy đủ.

Điều đó quan trọng hơn tất cả mọi thứ khác.

Bởi vì trừ khi bạn sống ở vùng sâu vùng xa hẻo lánh, thì hầu hết những vật dụng cần thiết đều có thể mua dễ dàng, nhưng mua đầy những thứ đó về mà ko trang bị kiến thức thì cũng chẳng giải quyết được gì.

Nghe thì có vẻ đầy lý thuyết, nhưng mà thứ bạn cần lại chính là niềm tin, tin vào khả năng của chính bản thân mình, tin rằng bạn sẽ nuôi con sữa mẹ thành công, tin vào sự quyết tâm của chính bản thân mình. Có những người bắt đầu hành trình của họ bằng suy nghĩ “uh thì tôi cũng sẽ cố gắng và xem chuyện gì sẽ xảy ra, nếu ko làm được thì ít ra mình cũng đã có sự cố gắng”, những người này đang bị thiếu kiến thức. Sự quyết tâm của bản thân và sự nhận biết rằng chính bạn là người sẽ quyết định sự thành công của chính mình là rất quan trọng.

Dĩ nhiên là, có một số người không nuôi con sữa mẹ thành công. Nhưng sự thật là những người mà rất quyết tâm và tin tưởng quyết liệt rằng mình sẽ làm được thì họ sẽ làm được. Nếu bạn chuẩn bị kĩ lưỡng, nếu bạn biết tìm đến sự trợ giúp của một nguồn đáng tin cậy và bạn tìm sự trợ giúp từ rất sớm – thì nhiều khả năng là bạn sẽ vượt qua được những khó khăn một cách dễ dàng.

Đối với những người đầu hàng sớm và không vui vì điều đó, có lẽ là do họ không nhận ra được rằng sự khó khăn bắt đầu từ đầu, không nhận biết được đó là những biểu hiện hoàn toàn bình thường của một em bé sữa mẹ và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự trợ giúp khi họ cần.

1. Hãy đọc về Sữa mẹ.

Nên làm điều này từ sớm. Bạn có cần phải đọc nhiều về những lợi ích của nuôi con sữa mẹ không? Không cần đâu, nhưng  có lẽ bạn vẫn chưa hiểu được vì sao người ta khuyên bạn nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn (không bổ sung bất cứ thứ gì trước 6 tháng, kể cả nước, sau 6 tháng ăn dặm kết hợp với bú mẹ kéo dài tới tối thiểu 24 tháng)

Hãy đọc một số bài nghiên cứu khoa học – không chỉ là vài trang giấy ở những tờ rơi phát ở bệnh viện hay trạm xá. Hãy đọc những tài liệu chuyên sâu hơn. 

Có thể bạn ngồi ngâm cứu hàng giờ liền một cuốn sách về đặt tên cho con. Hãy dành từng đó thời gian và tâm huyết cho tài liệu nuôi con sữa mẹ. Hãy dành thời gian để thực sự đào sâu tìm hiểu về lợi ích của Nuôi con sữa mẹ và nếu không có sữa mẹ thì ảnh hưởng tới bé như thế nào. Có rất nhiều rất nhiều bài viết có thể tìm thấy tại:

Hội Sữa Mẹ (Betibuti): https://www.facebook.com/groups/betibuti/
Chuyên trang Betibuti: https://www.facebook.com/BeTiBuTi?fref=ts
Web của mẹ: http://webcuame.com  
Hoisuame.vn: http://hoisuame.vn  
Michan yêu: http://michanyeu.com
Sữa mẹ number1: http://suamenumber1.blogspot.com

Và dĩ nhiên ngoài những nguồn trên Internet, hãy đọc sách nữa. Có một số sách về Nuôi con sữa mẹ như sau: (đoạn này mình giới thiệu sách theo list sách của cá nhân mình, ko theo bài viết gốc):

1.    68 Ngộ Nhận Nuôi Con Sữa Mẹ - tác giả Lê Nhất Phương Hồng
2.    The Womanly Art of Breastfeeding – La Leche League
3.    Ultimate Book of Answers – bác sĩ Jack Newman

Hãy nghiên cứu và hiểu về cơ chế “cung” và “cầu” của sữa mẹ, khớp ngậm đúng, tư thế bú đúng và những hành vi của trẻ sơ sinh nhé.

2. Hãy nghĩ về việc Nuôi con sữa mẹ sẽ ảnh hưởng tới cách chăm con của bạn như thế nào

Những nhà nghiên cứu nói rằng phần lớn những bà mẹ cho con bú thì cho bé ngủ chung giường với mình, có thể cả đêm hoặc một vài tiếng buổi đêm, ít nhất là trong một khoảng thời gian trong hành trình nuôi con sữa mẹ.

Nhiều người thì khi bắt đầu, họ tin rằng họ sẽ không làm điều đó, sẽ cho bé nằm cũi, nhưng rồi càng về sau càng nhận ra rằng có lẽ ngủ chung là lựa chọn tốt nhất.

Quan trọng là việc này được tính toán kĩ lưỡng, ngủ chung cần được thực hiện một cách an toàn.

Unicef có tờ rơi hướng dẫn về ngủ chung an toàn tại đây http://www.unicef.org.uk/BabyFriendly/Resources/Resources-for-parents/Caring-for-your-baby-at-night/

Có một số trang web khác để tham khảo thêm:

Hãy dùng một cái địu sling, không phải là loại địu khiến cho bé phải dựng đứng người lên, sức nặng sẽ đè lên cột sống của bé. Nhưng với 1 cái địu sling hoặc wrap, bé được nằm ở một tư thế dễ chịu, và phù hợp với mẹ cho con bú. Bạn có thể tham khảo thêm về địu con ở trang web sau, việc địu con cũng rất quan trọng đấy nhé. http://www.thebabywearer.com/

3. Viết ra một kế hoạch

Bạn có birth plan mà phải không? (kế hoạch sinh nở, ở nước ngoài các mẹ gần tới ngày sinh thường viết ra kế hoạch sinh nở với những gì mình mong muốn, ví dụ như không dùng giảm đau, không dùng thuốc, muốn có ai ở bên cạnh….). Vậy thì đối với việc cho con bú cũng thế, hãy viết ra một kế hoạch để mọi người biết và tuân thủ theo, để họ thấy điều gì là tối quan trọng đối với bạn sau khi sinh em bé: được da tiếp da ngay với con trên bàn đẻ, chậm kẹp rốn, con tự bò tìm bú mẹ… Trên tờ kế hoạch đó có thể có hình ảnh hoặc những gạch đầu dòng về khớp ngậm đúng, tư thế bú đúng để giúp nhắc nhở bạn sau khi sinh bé.

4. Tìm sự trợ giúp trong cộng đồng

Đừng chờ đợi tới khi bạn ngồi khóc với 2 đầu vú sưng đau và tự hỏi rằng chuyện gì đã xảy ra trong mấy ngày vừa qua vậy.

Khi mang thai, hãy nghiên cứu các sự trợ giúp. Bạn sẽ cần 3 lựa chọn – một ai đó có thể hỗ trợ bạn qua điện thoại, một ai đó có thể tới tận nhà giúp, và một nhóm những người mẹ trong cùng cộng đồng để bạn có thể có thể mở rộng quan hệ trong lĩnh vực mới mẻ này và có bạn đi café cùng.

Và nữ hộ sinh của bạn có thể hướng cho bạn tới những sự trợ giúp trên (như ở Việt Nam thì không phải như vậy, bạn sẽ phải hỏi bạn bè xung quanh).

Ở Việt Nam, có một vài cách để bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp: Hội Sữa Mẹ Betibuti, Dự án Mặt Trời Bé Thơ, Dự án Human Milk 4 Human Babies (Ngân hàng Sữa Mẹ Việt Nam), hoặc các Hội sữa mẹ tại địa phương.  

Hãy tìm hiểu về những nhóm này, nói chuyện giao lưu với họ trong khi mang thai, thậm chí là hãy tìm đến những buổi giao lưu offline và tiếp xúc trực tiếp với những mẹ đang cho con bú. Có thể bạn thấy điều này kì cục nhưng thực tế không phải vậy đâu. Sẽ là một sự khác biệt rất lớn khi tận mắt nhìn thấy những người mẹ cho con bú, nhìn thấy một khớp ngậm đúng và những tư thế bú khác nhau và nói chuyện chia sẻ cũng với những người mẹ đó về những ngày đầu tiên sau sinh. Họ sẽ rất sẵn lòng chia sẻ.

Nếu có ai đó hỏi rằng bạn muốn họ tặng quà gì cho em bé – một cái máy sưởi ấm giấy ướt hay là đôi với bằng cashmere mềm mại – hãy nói rằng họ có thể tặng cho bạn một buổi gặp gỡ với Chuyên gia tư vấn sữa mẹ quốc tế (ở nước ngoài một buổi tư vấn với IBCLC có thể có giá 60-100$ hoặc hơn.)

Còn ở Việt Nam, Hội Sữa Mẹ Betibuti thỉnh thoảng có tổ chức những buổi tư vấn gia đình cho các mẹ đang mang thai với chủ đề những điều cần chuẩn bị khi sinh em bé, tập trung chính vào sữa mẹ, những khó khăn vướng mắc có thể gặp ngay sau khi sinh. Yêu cầu đối với những buổi này là có sự tham gia của chồng hoặc bà.

Bạn cũng nên đi học các lớp tiền sản. Hiện nay các shop bán đồ sơ sinh lớn đều có các lớp tiền sản miễn phí vào cuối tuần. Ngoài ra các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tư nhân đều có lớp tiền sản với các mức độ khác nhau, bao gồm các kiến thức thai sản, chuyển dạ, chăm sóc em bé và nuôi con sữa mẹ. Ở Hà Nội còn có thêm lớp học tiền sản của Bác sĩ Nguyễn Nam vào 9:00 sáng chủ nhật hàng tuần tại Phòng khám Bác sĩ Nam, số 1 ngách 2 ngõ 27 Huỳnh Thúc Kháng. Các bệnh viện đều có, các mẹ chịu khó hỏi ở bệnh viện sẽ được hướng dẫn cụ thể.

5. Hãy chia sẻ với những người thân yêu của bạn rằng vì sao Nuôi con sữa mẹ rất quan trọng.

Hãy chia sẻ với bà nội bà ngoại tương lai những cuốn sách viết về Sữa mẹ.

Hãy nhấn mạnh với mọi người xung quanh rằng việc này rất quan trọng đối với bạn và một em bé sữa mẹ hoàn toàn sẽ có những biểu hiện như thế nào trong vài tuần tuần, những ngày growth spurts (phát triển vượt bậc) là gì và cluster feeding (giai đoạn bú liên tục) là gì. Hãy giới thiệu cho họ những nguồn thông tin mà bạn tham khảo để chính họ cũng có thể đọc và chia sẻ kiến thức với bạn.

Đối với phần lớn chúng ta, lần đầu tiên chúng ta có cái nhìn kĩ và cận cảnh về việc cho con bú là khi chúng ta cho con của mình bú. Nhưng đôi lúc sẽ gặp rất nhiều trở ngại.

Chúng ta không sống trong một môi trường mà nuôi con sữa mẹ là điều bình thường (khá bất thường và phải chiến đấu để có thể thành công được, tỉ lệ Nuôi con sữa mẹ ở Vn chỉ có ngót nghét 1% ở thời điểm 2 tháng tuổi ở các thành phố lớn, và 17% trên toàn quốc, một con số rất đau lòng so với tỉ lệ 89% ở Nhật), chúng ta không được nhìn thấy khớp ngậm đúng hay tư thế bú khi lớn lên. Chúng ta đã lớn lên trong cái môi trường mà bình sữa trở thành một vật vô cùng bình thường và hiển nhiên khi nuôi dưỡng một đứa trẻ, và chúng ta là thế hệ ít được nuôi bằng sữa mẹ nhất trong lịch sử loài người.

Và hãy quyết tâm thay đổi điều đó, hoàn toàn phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta thôi.

Mang thai là quãng thời gian tuyệt vời để học hỏi và nắm lấy trách nhiệm cao cả này.

Thời gian mang thai rất thiêng liêng và đôi khi khiến bạn hoang mang, sợ hãi – cũng giống như mọi thứ khác trong đời vậy.

Và để tôi nói nhỏ với bạn điều này  - một khi bạn đã bắt đầu đọc kiến thức thì thật khó để dừng lại đấy nhé!